Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày Báo Đại Đoàn Kết ra số báo đầu tiên, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ông nói, ở giai đoạn lịch sử nào, Đại Đoàn Kết cũng thể hiện rõ bản sắc và khẳng định được thương hiệu riêng có.
PV:Thưa ông, từ góc nhìn của một người làm nghề, ông có thể chia sẻ những ấn tượng với chặng đường lịch sử của Báo Đại Đoàn Kết?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong Bảo tàng báo chí Việt Nam có một khu vực trưng bày những tờ báo nổi tiếng của báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Cách mạng Việt Nam nói riêng, trong đó tờ Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết hôm nay - có một vị trí rất trang trọng.
Qua các giai đoạn lịch sử, khởi đầu từ ngày 25/1/1942, cho đến sau này, nhất là năm 1945, tờ Báo Cứu Quốc như một tờ hịch ở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, kêu gọi nhân dân đứng lên tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong lịch sử tờ báo mà tôi được biết, Báo Cứu Quốc đã có 3.000 ngày liên tục xuất bản trong điều kiện đấu tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn… Đó là một dấu ấn nổi bật.
Lúc đầu, Báo Cứu Quốc là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh, rồi sau đó thành cơ quan ngôn luận của Mặt trận Liên Việt và ngày nay Đại Đoàn Kết là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là lịch sử rất vẻ vang của một tờ báo cách mạng, gắn liền với quá trình đấu tranh của dân tộc trong các cuộc kháng chiến. Và thật đáng tự hào là vị trí của tờ Báo Đại Đoàn Kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Nhìn lại chặng đường 80 năm của một tờ báo trong lịch sử 96 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết mang sứ mệnh đặc biệt. Đây là tờ báo của Mặt trận Việt Minh, nhưng chính là tiếng nói của Đảng nhằm tập hợp các lực lượng, các tầng lớp nhân dân, đấu tranh vì một mục tiêu chung là giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Qua các thời kỳ, có thể thấy rõ tinh thần tập hợp, quy tụ, tinh thần thống nhất, tinh thần đại đoàn kết luôn xuyên suốt toàn bộ lịch sử của tờ báo. Đây là điều rất sâu sắc và cao quý.
Trong dòng chảy của báo chí hôm nay, Đại Đoàn Kết vẫn kiên định thực hiện sứ mệnh lịch sử là đoàn kết các lực lượng, giai tầng trong xã hội để xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông có nhận định gì về điều này?
-Tính tới cuối năm 2021, hệ thống báo chí cách mạng của chúng ta (tính cả 4 loại hình báo in, báo điện tử, báo hình, báo phát thanh) có hơn 900 cơ quan báo chí, trong đó, Báo Đại Đoàn Kết luôn ở một vị trí rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ: nó có một lịch sử rất vẻ vang; sự hiện diện đầy trách nhiệm, đầy sức sống của nó trong đời sống báo chí và trong đời sống xã hội, và đó là sự hiện diện có bản sắc.
Trước hết bởi đây là một tờ báo rất cởi mở, thể hiện đúng tinh thần dân chủ mà xã hội chúng ta đang hướng đến và xây dựng. Tờ báo góp phần rất tốt trong việc tạo nên bầu không khí dân chủ trong việc thể hiện ý kiến đối với các vấn đề của xã hội, của đất nước; tập hợp được ý kiến, được tâm tư nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng rất khác nhau, kể cả trong nước và nước ngoài. Từ công nhân, nông dân lao động cho đến những nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ …đều tìm thấy ở Đại Đoàn Kết một diễn đàn đáng tin cậy, và họ muốn được thể hiện chính kiến của họ.
Tôi muốn nói rõ thêm, tinh thần của tờ Báo Đại Đoàn Kết là tinh thần dân chủ, nhưng hướng đến mục đích chung là đạt tới sự đồng thuận xã hội về các vấn đề cơ bản, quan trọng của đất nước. Có thể khẳng định từ buổi sơ khai cho đến những năm sau này, các thế hệ làm báo của Báo Đại Đoàn Kết vẫn phát huy được thế mạnh này, làm nên bản sắc của tờ báo.
Nhiều năm qua, thương hiệu Đại Đoàn Kết được tạo dựng, với nhiều loạt bài thẳng thắn, trực diện với sự dấn thân, yêu nghề của các nhà báo. Ông có đồng ý như vậy?
- Một tờ báo muốn hay cần rất nhiều yếu tố, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất, cốt lõi nhất vẫn là đội ngũ những người làm báo. Đội ngũ những người làm báo chân chính của ta, trong đó có Báo Đại Đoàn Kết luôn nêu cao tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến, tinh thần không ngại khó khăn gian khổ, hiểm nguy để phản ánh sự thật. Đây cũng chính là lý tưởng làm nghề, phương châm làm báo của chúng ta: Khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của của cộng đồng, đất nước, nhân dân.
Tinh thần này được thể hiện rất rõ qua các thời kỳ/hế hệ làm báo của tờ Đại Đoàn Kết. Tiếp nối tinh thần chiến đấu, dấn thân đó, những năm sau này, Báo Đại Đoàn Kết vẫn tổ chức được rất nhiều loạt bài có tính chiến đấu rất cao, để làm rõ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Đơn cử như gần đây, báo có loạt bài về Câu lạc bộ Tình Người, được trao giải B Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba. Hội đồng Giải đánh giá cao loạt bài ở tính phát hiện, sự bền bỉ theo dõi và nắm chắc được bản chất của sự việc của nhóm phóng viên, để từ đó làm rõ được bản chất của Câu lạc bộ Tình Người, cùng những hệ lụy của nó với xã hội. Sau khi loạt bài này được đăng lên, trong dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Có những ý kiến rất đồng tình với quan điểm của Báo Đại Đoàn Kết, lại cũng có những sự phân vân… Song tờ báo đã rất kiên cường với quan điểm của mình, đi đến cùng của sự thật. Đó là hiệu quả và tác dụng rất rõ để khẳng định vai trò to lớn của báo chí.
Thời đại công nghệ 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Đại Đoàn Kết. Rõ ràng chúng ta không thể làm nghề với tư duy cũ, phương thức cũ. Song vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ được bạn đọc truyền thống, thưa ông?
- Chúng ta đang sống và làm nghề trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, cơ hội rất lớn nhưng khó khăn thách thức cũng hết sức gay gắt và nặng nề, trên nhiều phương diện. Ở đây tôi chỉ nói về phương diện nghề nghiệp, chứ thực ra có nhiều vấn đề cần bàn thảo, trong đó có cả vấn đề kinh tế báo chí.
Sự phát triển gần như chưa được kiểm soát của mạng xã hội đang gây áp lực nặng nề với báo chí, nhất là đối với báo in. Mà tờ Báo Đại Đoàn Kết thì vốn từ trong lịch sử cho đến những năm sau này vẫn có thế mạnh của một tờ báo in. Điều này đặt ra cho chúng ta những câu hỏi rất lớn rằng trong bối cảnh của đời sống xã hội, đời sống thông tin đã có những thay đổi vô cùng căn bản như vậy thì chúng ta tìm lối đi nào? Chắc chắn không thể khác là phải đổi mới, phải cải tiến rất mạnh mẽ về cách thức, phương thức làm nghề. Mà con đường đi phổ biến hiện nay là phải tổ chức tòa soạn hội tụ, xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện. Ở đó, việc sử dụng công nghệ truyền thông là cấp thiết. Chúng ta không thể nào làm nghề với phương thức cũ, nếp cũ. Tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động báo chí là một đòi hỏi tất yếu và nóng bỏng, từ việc tổ chức tòa soạn cho đến hoạt động tác nghiệp của từng phóng viên.
Trước những thách thức và cơ hội, ông kỳ vọng như thế nào vào những bước đi, sự phát triển của báo chí nói chung, tờ Báo Đại Đoàn Kết nói riêng?
-Tôi tràn đầy niềm tin, từ cột mốc vẻ vang 80 năm này, đội ngũ những người làm Báo Đại Đoàn Kết, bằng sự năng động, sáng tạo không ngừng, quyết nắm bắt lấy cơ hội, kiên cường vượt qua các thách thức, khó khăn, tạo được bước đột phá thật sự, đưa tờ Báo Đại Đoàn Kết thân yêu vào một thời kỳ phát triển mới, góp phần xứng đáng xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, tiếp tục là một ngọn cờ tập hợp lực lượng vì một mục tiêu chung cao đẹp là xây dựng đất nước ta hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày ra số đầu tiên, với tình đồng nghiệp thân thiết, tôi xin chúc Báo Đại Đoàn kết được tiếp nhận thêm những năng lượng mới, cảm hứng mới sáng tạo mới để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó.
Trân trọng cảm ơn ông!