Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng vùng DTTS sẽ góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Gìn giữ kho báu văn hóa dân tộc
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc, bao gồm dân tộc Kinh (Việt) và 53 DTTS. DTTS có trên 14 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số, phân bố trên địa bàn 58/63 tỉnh, thành cả nước. Mỗi DTTS lại có các sắc thái văn hóa riêng, tạo nên đời sống văn hóa Việt Nam giàu có, đa sắc màu. Văn hóa vùng DTTS có một số đặc điểm riêng biệt, độc đáo, đồng thời cũng có những biến đổi theo thời gian, đặc biệt là trước tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Những năm gần đây, du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng, vừa giúp du khách có được những trải nghiệm thú vị vừa góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa mỗi vùng miền. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều địa phương đã xây dựng và phát triển được các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, giàu màu sắc bản địa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng ở những địa phương có nhiều DTTS thì đều có điều kiện để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, muốn khai thác phát huy các di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch đòi hỏi nhiều yếu tố.
Kết quả một cuộc khảo sát khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cho thấy, 90% số khách thích nghe hướng dẫn viên là người DTTS địa phương; 71% số khách muốn được ngủ và ăn ngay tại các làng người DTTS; 81% số du khách muốn được tham gia dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm... cùng người dân; 83% số du khách muốn mua đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất là các hộ gia đình.
Kết quả này phần nào cho thấy, văn hóa bản địa là giá trị cốt lõi mà mỗi du khách tìm kiếm và mong muốn được trải nghiệm khi đến một vùng đất mới. Nói cách khác, nét khác biệt về văn hóa chính là yếu tố kích thích sự tò mò, khám phá và hấp dẫn du khách.
Hiện nay nhiều bản làng đã và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng việc khám phá văn hóa bản địa, hòa mình với thiên nhiên xanh, môi trường trong lành. Một trong những nơi đã thành công khi áp dụng mô hình du lịch cộng đồng là các bản người Mông ở Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mông, tham gia đêm nhạc hội, trò chơi dân gian của họ...
Phát triển du lịch cộng đồng phải đi kèm với sự bền vững
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ mang lại lợi ích kép cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khi mà có địa phương sao chép cách làm của nơi khác hoặc xây dựng mô hình nhưng không theo quy chế, quy chuẩn, những điều cần thiết để phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Nhiều nơi chưa thực sự hiểu giá trị của văn hóa bản địa là “chìa khóa” phát triển du lịch cộng đồng nên khi thấy nhu cầu du khách tăng đã cấp tập xây dựng thêm những khu lưu trú, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững.
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân địa phương, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt...
Từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã cử các nhóm chuyên gia du lịch nhằm hướng dẫn đồng bào DTTS cách làm du lịch cộng đồng để góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tránh việc tự phát, hoạt động không quy củ, không bài bản.
Đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở vùng đồng bào DTTS, Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở; tổ chức định kỳ Ngày văn hóa dân tộc Việt Nam để tôn vinh các giá trị văn hóa; liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, trao đổi văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa; tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở...
Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đang được định vị là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ các dịch vụ cung cấp nơi ăn, ngủ, nghỉ với giá rẻ nên doanh thu chưa cao.
Trong khi đó, du khách có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp của du lịch cộng đồng. Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, các chủ homestay cần biết kết hợp với các doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng... trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích. Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng là một cách để đồng bào DTTS có thêm thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc mà còn tạo thêm kế sinh nhai, nâng cao đời sống, xã hội cho người dân. Ông Quỳnh dẫn chứng trường hợp bản Sìn Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) từ một nơi tồn tại nhiều tệ nạn xã hội nay đã vươn mình trở thành địa điểm du lịch hút khách, thu nhập bình quân của người dân tăng gấp nhiều lần so với thời trước.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững tại các khu vực đồng bào DTTS, miền núi không dễ. Trong quá trình này, cần tôn trọng bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương, điểm đến; hấp dẫn du khách bằng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng, giá trị riêng, thay vì những sản phẩm mà du khách có thể dễ dàng tìm thấy và trải nghiệm ở bất kỳ đâu. Bởi bản sắc văn hóa là cả bề dày lịch sử hình thành, phát triển tập quán, phong tục, sinh hoạt, truyền thống... của cả một vùng đất hay một quốc gia.
Theo TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng các DTTS ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá của mình. Bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ mai một, mất dần sức hấp dẫn du khách. Trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các nghệ nhân phải được tôn vinh; đồng thời có chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hoá dân tộc qua các thế hệ…