Bản tin y tế ngày 28/12: Số mắc Covid-19 giảm còn 132 ca

P.Vân 28/12/2022 19:40

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 28/12 của Bộ Y tế cho biết, ca mắc mới Covid-19 giảm nhẹ còn 132 ca, trong ngày, bệnh nhân Covid-19 nặng cũng giảm còn 25 ca. Hôm nay tiếp tục không ghi nhận F0 tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.779 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.467 ca nhiễm).

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua.

Tình hình điều trị Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 142 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.611.059 ca

2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 25 ca, trong đó:

Thở ô xy qua mặt nạ: 18 ca

Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca

Thở máy không xâm lấn: 0 ca

Thở máy xâm lấn: 5 ca

ECMO: 0 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

Ngày 27/12 ghi nhận 0 ca tử vong.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.184 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Tình hình tiêm vaccine Covid-19

Trong ngày 27/12 có 23.877 liều vaccine phòng Covid-19được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.429.825 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.209.502 liều: Mũi 1 là 71.080.912 liều; Mũi 2 là 68.691.750 liều; Mũi bổ sung là 14.492.824 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.667.814 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.276.202 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.860.722 liều: Mũi 1 là 9.127.069 liều; Mũi 2 là 8.955.273 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.380 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.359.601 liều: Mũi 1 là 10.230.216 liều; Mũi 2 là 8.129.385 liều.

Dao cạo mủ cao su đâm xuyên bụng bé trai 12 tuổi

Em Đ.D, 12 tuổi, người dân tộc Stiêng ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước cùng mẹ đi cạo mủ cao su, không may bị dao cạo mủ đâm xuyên bụng.

Sau khi được TTYT huyện Lộc Ninh (Bình Phước) sơ cứu ban đầu, bé D. được chuyển viện đến BVĐK tỉnh Bình Dương cấp cứu.

Hình ảnh bệnh nhi khi nhập viện, dao cạo mủ cao su dài 1m đâm xuyên bụng. Ảnh: BVCC.

Thầy thuốc BVĐK tỉnh Bình Dương tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng choáng nhẹ, vết thương do lưỡi dao cạo mủ cao su đâm xuyên từ giữa ức đến ngực trái. Lưỡi dao cạo mủ vẫn còn dính với đoạn tay cầm bằng sắt dài khoảng 1m.

Kết quả siêu âm, bệnh nhân có tràn máu ổ bụng và màng phổi với dị vật xuyên thấu bụng ngực. Bệnh nhân được bác sĩ hồi sức tích cực, truyền máu và tiến hành phẫu thuật. Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện lưỡi dao xuyên thủng gan trái, dạ dày và cơ hoành.

Kíp phẫu thuật do BSCKII Lê Ngọc Hà, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp là người mổ chính. Sau hơn 2 giờ thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và tiếp tục được các bác sĩ theo dõi hồi sức.

Theo lời kể của gia đình, trước đó, em Đ.D được mẹ chở bằng xe máy đi cạo mủ cao su. Trên đường đi thì bị tai nạn khiến dao cạo mủ cao su đâm xuyên người.

Kinh hoàng dòi làm tổ trong ống tai người phụ nữ

Chị T. 45 tuổi, có tiền sử tâm thần ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bất ngờ đau tai trái dữ dội, kèm chảy nhiều máu được gia đình đưa đến BVĐK tỉnh Quảng Nam cấp cứu, tại đây bác sĩ phát hiện nhiều dị vật sống trong tai bệnh nhân.

BS Nguyễn Thanh Tiên, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tiếp nhận cấp cứu chị T., kiểm tra tai và làm các xét nghiệm tiền phẫu, bệnh nhân được đưa vào Khoa Gây mê – phẫu thuật.

Êkip phẫu thuật đã nội soi gắp ra hàng chục con dòi sống trong ống tai người bệnh.

Thầy thuốc gắp dòi trong tai người phụ nữ 45 tuổi. Ảnh: BVCC.

Đây là trường hợp rất hiếm gặp xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tâm thần, không khai thác được tiền sử có côn trùng chui vào tai. Các bác sĩ nhận định, khả năng dòi từ ấu trùng sinh ra trong tai.

Theo các bác sĩ, trường hợp này dòi phát triển rất nhanh, nếu người bệnh càng để lâu càng nguy hiểm. Khi dòi lớn có thể tấn công, đục thủng màng nhĩ và các cơ quan xung quanh, gây biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, thủng nhĩ và có thể dẫn đến tử vong. Rất may, bệnh nhân này được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi bị côn trùng bay vào tai. Nếu thấy đau, có dịch lạ như máu, mủ từ tai chảy ra, bệnh nhân nên tới bệnh viện khám để được xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản tin y tế ngày 28/12: Số mắc Covid-19 giảm còn 132 ca