Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 6/1 của Bộ Y tế cho biết, có 75 ca mắc Covid-19, nhiều hơn 2 lần số bệnh nhân khỏi; hiện còn 19 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.646 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.475 ca nhiễm).
Tình hình điều trị Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 35 ca
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.611.458 ca
2. Số bệnh nhân đang thở oxy là 19 ca, trong đó:
Thở oxy qua mặt nạ: 13 ca
Thở oxy dòng cao HFNC: 5 ca
Thở máy không xâm lấn: 0 ca
Thở máy xâm lấn: 1 ca
ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
Ngày 05/01 ghi nhận 0 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine Covid-19
Trong ngày 05/01 có 178 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 265.536.860 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.230.443 liều: Mũi 1 là 71.080.950 liều; Mũi 2 là 68.692.168 liều; Mũi bổ sung là 14.497.777 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.672.459 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.287.089 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.863.368 liều: Mũi 1 là 9.127.078 liều; Mũi 2 là 8.955.999 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.780.291 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.443.049 liều: Mũi 1 là 10.242.853 liều; Mũi 2 là 8.200.196 liều.
WHO nói gì về biến thể XBB dễ lây lan của Omicron?
Ngày 6/1, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Việt Nam đã chia sẻ thông tin đánh giá của WHO về biến thể phụ XBB của Omicron, cũng như các khuyến cáo tăng cường phòng chống dịch Covid-19 đối với Việt Nam.
TS. Angela Pratt cho rằng, sự xuất hiện của biến thể XBB cho thấy rằng thật không may, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, dù tất cả chúng ta đều mong điều đó xảy ra! Chúng ta biết rằng bất cứ nơi nào có Covid-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm.
Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới.
Dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là một thông tin đáng lo ngại.
"Mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể này – tức là khả năng vượt qua “lá chắn” bảo vệ do các loại vaccine phòng Covid-19 hiện có cung cấp - nhưng tin tốt là cho đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực – bao gồm cả các vaccine phòng Covid-19 được WHO phê chuẩn.
Những loại vaccine phòng Covid-19 này đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do Covid-19" - Trưởng đại diện WHO thông tin.
Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như chúng ta đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và Covid-19 nói chung. Đó là:
Đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín,
Rửa tay thường xuyên,
Cả người lớn lẫn trẻ em hãy đảm bảo rằng mình đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.
TS. Angela Pratt nhấn mạnh, trong mùa lễ Tết Nguyên Đán 2023 sắp tới, – tất nhiên chúng tôi mong muốn mọi người được vui vẻ và tận hưởng thời gian với bạn bè và gia đình, nhưng đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bản thân.
Vì vậy, vẫn còn thời gian trước khi kì nghỉ lễ bắt đầu, hãy đảm bảo bản thân và người thân đã tiêm phòng đầy đủ và hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Khuyến cáo của WHO về các biện pháp tăng cường phòng chống dịch
Năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mà chúng ta gọi là giai đoạn “quản lý bền vững” dịch Covid-19, và đã thực hiện rất tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù chúng ta biết Covid-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc Covid-19.
Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và mọi người vẫn đang mắc bệnh, nhập viện và tử vong ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Và trong khi virus đang tiếp tục lây lan, tất cả các quốc gia và tất cả chúng ta vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời tăng cường giải trình tự gen nhằm xác định biến thể và những biến thể phụ nào đang lưu hành. Đây đều là những biện pháp rất thận trọng, giúp chúng ta phát hiện liệu có đợt bùng dịch khác sẽ xảy ra hay không và để có sự chuẩn bị sẵn sàng.
Bộ Y tế cũng đang tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng tránh Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điều này thực sự quan trọng, vì tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc làm chậm quá trình lây truyền của virus.
Một trong những điều quan trọng nhất mà mỗi cá nhân có thể làm là đảm bảo rằng bạn và tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch, bao gồm cả các liều nhắc lại nếu bạn đủ điều kiện tiêm. Vẫn còn thời gian trước kỳ nghỉ Tết để làm được điều này.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.
Trong những tuần tới và đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán, chúng ta cần đảm bảo rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế có thể tiếp tục hoạt động tốt và nền kinh tế và xã hội có thể tiếp tục mở.
WHO khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín và tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm cả liều tiêm nhắc lại.