Nguyên liệu để làm bánh là chuối tiêu nhưng muốn bánh có độ dai dẻo thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích. Vị hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối.
Chuối là một trong những cây trồng giúp bà con ở huyện Lục Yên (Yên Bái) thoát nghèo. Nhưng cũng từ những quả chuối chín vàng ươm thơm lừng, bà con dân tộc Tày ở Lục Yên đã khéo léo chế biến thành món bánh chuối. Không giống như các vùng miền khác, bánh chuối ở đây được làm khá đặc biệt, tạo ra những dư vị riêng và rất ngon. Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối…
Nguyên liệu để làm bánh là chuối tiêu nhưng muốn bánh có độ dai dẻo thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích. Vị hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây buộc bánh cũng từ dây chuối nên mỗi chiếc bánh đều đậm vị ngọt của chuối, hương thơm của lá, hấp dẫn vô cùng.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật bà con phải chuẩn bị khá công phu. Chuối chín được bóc vỏ rồi phơi khô rồi cất vào trong hũ đến khi làm bánh thì lấy ra ngâm nước nóng. Gạo ngâm 2 tiếng rồi đem xay thành bột, đem trộn với chuối khô cắt lát làm vỏ bánh. Riêng với phần nhân bánh, người ta thường sẽ cho thêm đậu, lạc và đường để tăng thêm hương vị cho bánh. Chiếc bánh chuối thành phẩm còn nguyên những lát chuối được phủ đầy mặt bánh, chỉ nhìn thôi đã thấy hấp dẫn.
Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa. Mỗi dịp rằm tháng Giêng, hay rằm tháng Bảy, bà con người Tày ở đây thường làm bánh chuối để dâng cúng tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính của con cháu. Mặc dù ngày nay kinh tế của nhiều gia đình đã khấm khá hơn, có rất nhiều loại hoa quả bánh trái nhưng nhưng những chiếc bánh chuối ở Lục Yên vẫn được các bà, các mẹ truyền lại cho con cháu mình làm mỗi dịp lễ, tết, đó cũng như là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày.
Lên với Lục Yên, ngoài món bánh chuối thì một món ăn nữa không thể bỏ qua chính là thịt mắm cơm đỏ. Không cầu kỳ như nhiều món ăn khác, được chế biến đơn giản từ các nguyên liệu mang đậm chất quê của người miền núi, nhưng món ăn này có một dư vị vô cùng đặc biệt.
Để làm thịt mắm cơm đỏ, người ta lấy cây cơm đỏ rửa sạch phơi qua trên nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Thịt lợn làm sạch, thái nhỏ bằng 2 ngón tay ướp muối. Thịt được đổ vào chum trộn đều với củ giềng thái chỉ, một ít rau răm, cây cơm đỏ và rượu nếp cái thơm rồi buộc thật kín bằng ni lông. Chừng 5 đến 6 ngày sau, mở chum mùi thơm đã sực nức, là lúc thịt mắm đã ăn được. Lúc này những miếng thịt mắm đã săn lại có màu đỏ tươi, lớt phớt những sợi giềng thái nhỏ. Miếng thịt mắm đủ vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, ăn không ngấy và ngon đến khó tả.