Bánh phồng hay còn gọi là pẻng khua - bánh cười, là một loại bánh truyền thống của người Tày, làm từ gạo nếp, phổ biến ở Lạng Sơn. Những chiếc bánh sau khi rán căng phồng, vàng ruộm, độ ngọt vừa phải bên trong không bị rỗng mà có mạng xốp như xơ mướp, chỉ ăn một miếng đã thấy vô cùng hấp dẫn.
Hấp dẫn bánh phồng.
Nguyên liệu để làm món bánh phồng này cũng từ gạo nếp cái hoa vàng. Nhưng để cho chiếc bánh được phồng xốp thì gạo lại phải ngâm với nước tro của cây trà dù - một loại cây mọc trên rừng giờ được nhiều người mang về trồng ở nhà để tiện thu hái. Gạo được ngâm qua một đêm, vớt lên để ráo nước và đem đồ thành xôi. Xôi chín được đổ ra cối giã nhuyễn đến khi dẻo, mượt như bánh dày thì đổ khoai môn đã luộc chín, thái nhỏ vào giã đến khi thật nhuyễn và đều.Theo kinh nghiệm của bà con người Tày thì phải giã đến khi nào khối bột đạt độ dai, dính vào chày, nhấc chày, kéo dài lên mà bột không bị đứt thì mới đạt.
Bột bánh giã xong, đổ ra nong cán thật mỏng và cắt thành miếng nhỏ bằng hai đốt ngón tay chập lại rồi phơi bánh trong râm. Nhiều người thắc mắc sao không phơi bánh ngoài trời nắng cho nhanh khô, nhưng kinh nghiệm của bà con cho thấy, phơi bánh dưới nắng già bánh dễ bị nứt, phơi trong bóng râm cho bánh khô dần rồi đem bỏ vào chum sạch để bảo quản. Mỗi mẻ bánh phải phơi 3 nắng mới đủ khô. Khi chế biến, người ta đun mỡ nóng rồi bỏ từng miếng bánh khô vào chảo chao đến khi bánh phồng to thì vớt ra. Có một điều rất thú vị là khi rán chiếc bánh pẻng khua phồng tròn lên.
Theo chị Chu Thị Hồng, thị trấn Thất Khê, Tràng Định (Lạng Sơn) thì chiếc bánh pẻng khua chuẩn thì bên ngoài phồng căng, vàng ruộm nhưng bên trong ruột không được rỗng mà phải có mạng như xơ mướp mới thành công. Và thứ để làm cho chiếc bánh này phồng chính là nhờ ngâm với tro của cây trà dù. Chị Hồng bảo rằng, những loại cây này bà con phải chuẩn bị lấy từ tháng 10, đem về phơi khô rồi đốt thành tro dùng dần. Cứ làm 3 cân gạo là 1 bát con tro, đun, lọc lấy nước ngâm gạo.
Nghe qua các khâu thì có vẻ đơn giản, thế nhưng bắt tay vào làm mới thấy hết sự tỉ mỉ, khéo léo đến tinh tế của các bà, các chị để chế biến ra chiếc bánh truyền thống có đủ màu sắc, hương vị đặc trưng, thơm ngon rất riêng.
Chị Hồng bảo, thường thì khi rán các loại bánh người ta hay để mỡ nóng già, thế nhưng để rán bánh phồng thì mỡ nóng già quá lại hỏng, bánh không thể phồng lên được. Vì vậy, nên để mỡ hơi ấm ấm, cho bánh vào, để lửa to đều, đảo nhanh tay. Đảo như thế, khi nào mỡ sôi, bánh phồng, tròn đều, thấy vàng vừa mắt thì vớt ra. Làm món bánh này phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ, khi làm xong một mẻ bánh lại phải đợi mỡ nguội mới làm được mẻ tiếp theo.
Chiếc bánh pẻng khua khi rán vàng, bỏ ra đĩa ăn có vị ngọt của đường, dẻo thơm của nếp và ruột xốp rất mềm. Trước đây bánh thường chỉ làm phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng vị ngon nức tiếng gần xa, nhiều người khi đến Lạng Sơn đều muốn đặt mua ít bánh mang về làm quà nên giờ đây nhiều hộ dân bắt đầu làm bánh bán. Chẳng ai ngờ rằng chút quà địa phương này có thể mang lại một nguồn thu nhập kha khá cho các hộ làm bánh.