Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng làng nghề đúc bánh thuẫn ở thôn Hiền An 1 đã tất bật lắm rồi. Với nhiều người miền Trung, đây là thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết truyền thống.
Bánh thuẫn còn gọi là bánh xoài.
Làng Hiền An 1 nằm bên cầu Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) là nơi sản xuất, cung ứng chủ yếu loại bánh thuẫn cho thị trường tết tại địa phương và các tỉnh thành lân cận. Cận Tết, khắp đường làng ngõ xóm đều dậy lên mùi thơm của bánh. Bánh thuẫn hay còn gọi là bánh xoài được làm từ bột củ bình tinh. Tuy nhiên, cũng có nơi bà con dùng bột nếp pha tẻ.
Trước kia, khi chưa có bột bán sẵn, người làm bánh phải đào củ bình tinh mang về rửa sạch, thái nhỏ rồi vắt, sau đó lọc chất bột bình tinh qua màng vải mỏng. Đợi bột đông lại thì mang ra phơi khô rồi chà xát cho thật mịn. Đường cũng vậy, phải chọn loại đường cát trắng tinh, mang phơi, rồi xay, rây mịn, rồi lại phơi cho đến khi khô roong mới thôi.
Nguyên liệu chỉ đơn giản gồm bột, đường, trứng gà nhưng công đoạn pha chế đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và kinh nghiệm của người làm bánh mới cho ra những mẻ bánh vàng ươm, thơm lừng. Trứng gà đánh với đường cho tan, đổ bột rây mịn vào đánh tiếp đến khi hỗn hợp đó quện lại với nhau thì cho thêm chút vani để bánh dậy hương thơm.
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu thì bắt đầu đổ bánh. Cách đổ bánh của bà con trong thôn cũng rất độc đáo. Theo kinh nghiệm thì khuôn bánh rửa sạch, đặt lên lò than. Người làm bánh sẽ dùng cây cọ nhúng vào dầu ăn rồi quét vào các khuôn bánh để không bị dính. Từng khuôn bánh rất nhỏ, bởi vậy khi đổ bột vào phải rất khéo léo, đổ nhiều thì bánh không chín, đổ ít quá thì bánh dễ cháy và không thể nở bung được.
Ngoài ra, để cho bánh nở đều và đẹp, khâu quạt than rất quan trọng, than phải đỏ đều và không quá lửa nếu không bánh sẽ bị cháy khét. Bánh chín là lúc dậy mùi thơm nức. Lúc đó người làm bánh sẽ dùng chiếc que tre vót nhọn xăm bánh ra khỏi khuôn đặt vào những chiếc mẹt hoặc nong. Bánh ăn ngay rất mềm và ngon, nhưng muốn bảo quản trong thời gian dài cần sấy trên lò than một đêm để bánh khô và cứng lại.
Người làng bảo, nghề đổ bánh thuẫn khó có thể làm giàu hoặc sống bằng thu nhập của nghề này, bởi nó chỉ làm cấp tập trong một tháng tết. Thế nhưng, bao năm qua, như một duyên nợ, người làng vẫn không bỏ được, cứ cận Tết là họ lại bắt đầu lục đục chuẩn bị nguyên liệu, nhóm lửa và đúc bánh.
Ngày nay, dù đã có rất nhiều loại bánh, kẹo ngon, nhưng bánh thuẫn là món bánh để đãi khách trong những ngày Tết của người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng. Mùi thơm dịu nhẹ, vị thanh mát của bột bình tinh, lại không quá ngọt như các loại bánh mứt khác. Trong tiết trời se lạnh của ngày đầu năm, thưởng thức chiếc bánh thuẫn bên những tách trà nóng có lẽ là không còn gì thú bằng.