Cứ đến dịp cận Tết Nguyên đán, nghề làm bánh Thuẫn truyền thống ở Quảng Ngãi lại rực lửa hồng. Bánh Thuẫn là món quà được người dân xứ Quảng đặt trang trọng trên bàn thờ ngày Tết để cúng tổ tiên và sau đó là đãi khách.
Tại lò sản xuất bánh Thuẫn của bà Lê Thị Kim Liên (TP Quảng Ngãi), những người thợ làm bánh ở đây cho rằng, bánh Thuẫn là món ngon được dùng để cúng tổ tiên và sau đó là đãi khách trong những ngày Tết của người dân miền Trung nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng. Vị bánh xốp mềm, ngọt bùi, thơm nức, gợi lên hương vị quê nhà đầm ấm.
Theo nhiều người dân làm bánh ở Quảng Ngãi, bánh Thuẫn được làm từ nguyên liệu đơn giản là bột, trứng và đường. Một khuôn thường được làm bằng gang hoặc đồng bánh có thể tạo ra từ 4 đến 6 chiếc bánh nhỏ bên trong.
Bà Lê Thị Kim Liên chia sẻ: “Nhìn nguyên liệu, cách làm bánh có vẻ đơn giản nhưng để cho ra những chiếc bánh Thuẫn nở đúng độ, vàng đều, mịn nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ dàng”.
Người làm bánh gần như phải ngồi canh lửa trong suốt thời gian làm bánh. Bởi chỉ cần lửa không đều thì bánh sẽ bên trắng, bên vàng; nóng quá thì bánh bị cháy đen, nhẹ thì nâu nâu, không lên được màu vàng bắt mắt.
Bà Liên tự hào về lò bánh của mình và cho biết, đây là loại bánh đặc sản quê. Lò bánh của bà làm thường xuyên nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Bình quân mỗi ngày cho ra lò khoảng 700 đến 800 chiếc bánh cung ứng ra thị trường. Bánh được cho vào từng túi, mỗi túi 24 bánh có giá bán 35.000 đồng. Nghề này còn giúp giải quyết công ăn việc làm, mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động nông thôn.
Không chỉ cơ sở của bà Liên mà ở những làng nghề làm bánh, nhất là bánh Thuẫn dịp này rất sôi động. Họ làm bánh để cúng tổ tiên, để xuất bán ra thị trường và làm bánh để đãi khách.