Những ngày giáp Tết, các hộ gia đình ở làng Tranh Khúc bắt đầu lấy lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Lá dong chủ yếu được lấy từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình... có khi "cháy" lá phải nhập từ Hà Giang về. Người dân nơi đây chia sẻ, công đoạn rửa lá rất quan trọng, mất nhiều thời gian. Sau khi rửa sạch, lau khô, lá dong được cắt sống để khi gói không bị gãy, bánh sẽ vuông, đẹp. Gạo nếp được lựa chọn là loại nếp cái hoa vàng khi nấu bánh mới thơm và ngon. Gạo mua về được mang đi vo sạch, để ráo nước, khi gói đem trộn với một chút muối. Nhân đỗ xanh được nấu nhuyễn, nặn thành bánh kẹp thịt lợn ba chỉ ở giữa. Điều đặc biệt người dân làng Tranh Khúc không bao giờ dùng khuôn để gói bánh. Mỗi bánh thường được gói bởi 6-7 lá dong. Khi gói phải thao tác nhanh, nếu không gạo sẽ rơi ra ngoài. Dù gói bằng tay nhưng chiếc bánh nào cũng vuông và đều như nhau. Bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi, chủ một cơ sở gói bánh chưng) tại làng Tranh Khúc cho biết, làm bánh chưng khó và lâu nhất là công đoạn gói và buộc lạt nếu không cẩn thận, bánh sẽ không vuông góc và hình thức không đẹp. "Bánh chưng ngày Tết thường sẽ to hơn nên thời gian luộc sẽ lâu hơn so với ngày thường khoảng 1-2 tiếng. Nếu ngày thường một mẻ luộc chỉ mất có 8 tiếng thì khi luộc bánh Tết phải luộc lên đến 9-10 tiếng một lượt. Luộc lâu thì người dân để lâu bánh mới không bị chua, bị hỏng", bà Dạp cho biết. Giá bánh chưng tại đây dao động từ 50.000 -70.000 đồng, trọng lượng từ 1-1,5kg/cái. Nhờ lợi nhuận kiếm được từ nghề làm bánh chưng của mỗi gia đình nơi đây, không chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt gia đình hằng ngày mà còn đủ để cho họ nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng, xây nhà cửa,... ổn định cuộc sống.