Trung Quốc trong hôm 15/5 đã đưa ra phản ứng giận dữ của mình về báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội của họ, gọi báo cáo này là bóp méo sự thật có chủ ý và việc đưa ra báo cáo này đã làm “tổn hại nghiêm trọng” sự tin tưởng lẫn nhau của hai nước.
Washington cáo buộc Trung Quốc quân sự
hóa Biển Đông, trong khi Bắc Kinh tố ngược Mỹ (Nguồn: Reuters).
Trong bản báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trình trước Quốc hội Mỹ, Bộ Quốc phòng hôm 14/5 cho rằng Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống thông tin liên lạc và do thám, đến các đảo nhân tạo trên Biển Đông trong năm nay.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân, hôm 15-5 đã bày tỏ “sự bất bình mạnh mẽ” và “kiên quyết phản đối” đối với báo cáo của phía Lầu Năm Góc và nói rằng nó đã làm “tổn hại nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau”, hãng thông tấn nhà nước Tân hoa xã đưa tin.
Tân hoa xã dẫn lời ông Dương, nói rằng bản báo cáo này đã “thổi phồng” mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc và thiếu minh bạch, cố tình bóp méo sự thật về các chính sách quốc phòng Trung Quốc và mô tả “không công bằng” các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
“Trung Quốc theo đuổi một chính sách quốc phòng mà trong đó phòng thủ là một điều tự nhiên” - ông Dương nói, thêm rằng việc xây dựng và cải tổ quân đội của họ là nhằm mục đích duy trì chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đảm bảo cho sự phát triển hòa bình của Trung Quốc.
Theo ông Dương, chính Mỹ mới là bên luôn tỏ ra đáng ngờ và tăng cường khả năng quân sự bằng cách thường xuyên triển khai máy bay quân sự và chiến hạm tới khu vực này. Ông Dương còn thẳng thừng cáo buộc Mỹ là đã thúc đẩy quá trình quân sự hóa trên Biển Đông bất chấp những lời kêu gọi tự do hàng hải và kiềm chế vì hòa bình của chính nước Mỹ.
Trước đó, báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng, kế hoạch xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự sẽ giúp Trung Quốc có được “các căn cứ quân-dân sự” mà họ có thể sử dụng dài hạn trên các vùng biển tranh chấp. Theo ước tính mà báo cáo này đưa ra, quá trình cải tạo trái phép của Trung Quốc sẽ giúp nước này có thêm hơn 1.300 hecta đất trên các đảo tranh chấp chỉ trong vòng 2 năm.
Báo cáo cho hay, Trung Quốc đã hoàn thành phần lớn việc cải tạo đất trong tháng 10 năm ngoái, và chuyển sang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm các đường băng kéo dài 3.000 m, đủ để các loại phi cơ chiến đấu hiện đại sử dụng làm bãi đáp.
Trong khi đó, ông Dương vẫn bảo vệ quá trình xây dựng này, nói rằng nó phần lớn là để phục vụ cho nhu cầu dân sự và giúp Trung Quốc hoàn thành các trách nhiệm với quốc tế cũng như các cam kết mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Theo báo cáo, quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang dài kỳ của Trung Quốc đã đi vào giai đoạn mới trong năm 2015, khi họ bắt đầu thực hiện tiến trình cải cách về mặt tổ chức nhằm thay đổi toàn bộ cấu trúc quân đội. Các hoạt động cải cách này nhằm mục đích tăng cường khả năng tham gia các nhiệm vụ phối hợp, tăng cường khả năng chiến đấu các cuộc xung đột ngắn hạn trong khu vực hoặc trên thế giới của quân đội.
Bắc Kinh cũng tiếp tục đổ ngân sách vào tiến trình cải cách này, khiến ngân sách dành cho quốc phòng của họ hiện đứng thứ 2 thế giới. Lầu Năm Góc ước tính, trong năm 2015, Bắc Kinh đã chi khoản ngân sách lên tới 180 tỷ USD cho quốc phòng.
Báo cáo của Lầu Năm Góc xuất hiện trong thời điểm mà căng thẳng hàng hải gia tăng tại khu vực Biển Đông. Chính quyền Washington đã cáo buộc Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông, trong khi Bắc Kinh lại đáp trả bằng việc lên án các cuộc tuần tra hàng hải và các cuộc tập trận mà Mỹ tổ chức tại khu vực châu Á.
Báo cáo mới của Lầu Năm Góc cũng nhắc lại những lời cáo buộc của họ đối với chính phủ và quân đội Trung Quốc, liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ - cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ. Lầu Năm Góc cho rằng, các vụ tấn công mạng xảy ra năm 2015 dường như chỉ tập trung vào việc thu thập các thông tin tình báo của họ.