Chính trị

Báo cáo kết quả dùng cát biển trong công trình trọng điểm trước 20/1

A.Minh 11/01/2024 08:19

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm báo cáo Chính phủ về kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

anhbaitren3.jpg
Sắp có kết quả thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp. Ảnh: Chí Hạnh.

Thủ tướng vừa ban hành công điện chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Trong công điện ngày 9/1, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) “khẩn trương hoàn thành”, báo cáo Chính phủ về kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông trước 20/1/2024, làm cơ sở để cấp phép khai thác, chủ động nguồn vật liệu, giảm phụ thuộc vào cát sông.

Hôm 19/12/2023 tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Một trong những công trình được thí điểm là đoạn đường hoàn trả ĐT978 thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Theo đơn vị thi công, họ đã sử dụng 5.800m2 cát biển khai thác tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Việc thi công được bắt đầu từ 24/3/2023 ở đoạn giữa tuyến (bao gồm 300m đắp cát biển). Sau khoảng 2 tháng, đơn vị thi công đắp xong cát K95 gồm cả cát biển và cát sông trên toàn bộ tuyến đường hoàn trả ĐT978.

Theo kết quả đánh giá của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, mẫu cát biển được phân tích, đánh giá chất lượng trầm tích khoáng sản thông qua 19 chỉ tiêu hóa học cho thấy, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép.

Mặt khác, qua kết quả quan trắc, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc thi công cát biển tại công trình ĐT978 ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Lê Đức Tuân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cát sử dụng được cho san lấp làm nền đường chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp và An Giang nhưng tổng trữ lượng của hai tỉnh này khoảng 10-14 triệu m3/năm, đáp ứng được 50% nhu cầu của dự án. Trong khi đó, tổng nhu cầu cát cho Dự án Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 40 triệu m3 phân bổ chủ yếu trong năm 2023, 2024 và một phần vào năm 2025.

“Để dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau về đích đúng tiến độ, yêu cầu đặt ra đến 30/6/2024 phải hoàn thành công tác đắp gia tải, xử lý nền đất yếu nhưng hiện nguồn cát cung cấp cho dự án vẫn đang còn thiếu” - ông Tuân nói và bày tỏ mong muốn cát biển sớm được chấp thuận, cho phép sử dụng trong thi công nền đường cao tốc.

Theo ông Lương Văn Hùng - đại diện Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng cho biển đảo. Trong đó, yêu cầu chú trọng nguồn cát biển và cát nhiễm mặn để phục vụ các công trình xây dựng. Ngày 15/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời ký 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Bộ Xây dựng được giao thực hiện phương án thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng.

Tới đây, trên cơ sở tài liệu điều tra Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại theo từng vùng cát biển xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 7/11/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tháng 3/2023, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu đánh giá thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua 5 lần quan trắc và qua nhiều cuộc họp đánh giá, vật liệu cát biển thí điểm đạt yêu cầu về vật liệu đắp nền cũng như các chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải, độ ổn định, có giá trị tương tự như cát sông, hiện nay chưa có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến môi trường, cây trồng, vật nuôi ở khu vực xung quanh. Theo yêu cầu của các chuyên gia, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để mở rộng mẫu thí điểm ra các vùng khác như Hải Phòng, Vũng Tàu.

Trong Công điện 02/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phân cấp, phân quyền; phân nhóm các loại khoáng sản. Trong đó tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp để có quy định riêng, đơn giản hóa tối đa các trình tự, thủ tục.
Hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục khai thác cát biển đã được đánh giá tài nguyên, kịp thời khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL theo cơ chế đặc thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo cáo kết quả dùng cát biển trong công trình trọng điểm trước 20/1