Tinh hoa Việt

Báo chí ‘bắt tay’ mạng xã hội: Xu thế không thể đảo ngược

NGÔ THỤC MIÊN 19/06/2024 07:56

Các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook đang phát triển vượt bậc, thu hút nhu cầu giải trí, truyền thông của nhiều người. Không ít cơ quan báo chí, nhà báo cũng sử dụng các nền tảng này để lan tỏa chính tờ báo, ấn phẩm báo chí của mình.

a.jpg
Một số cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội Facebook để lan tỏa thông tín chính thống tới bạn đọc. Ảnh chụp màn hình.

Kênh truyền thông cho báo chí

Theo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong bối cảnh các cơ quan báo chí cạnh tranh nhau gay gắt như hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí phải biết cách tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng.

Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Từ năm 2020, một số cơ quan truyền thông như VTV24, Vietnam Plus (Thông tấn xã Việt Nam), báo Thanh Niên, báo Quân đội nhân dân… đã khai thác nền tảng TikTok để tăng độ “phủ sóng” tới bạn đọc.

TikTok của báo Thanh Niên có hơn 1 triệu lượt theo dõi, hay VTV24 - với hơn 4 triệu lượt theo dõi, đã trở thành thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Đón đầu xu hướng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí dựa trên ba nền tảng gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận mạng xã hội giúp các cơ quan báo chí kịp thời nắm bắt thông tin; nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Báo Quân đội nhân dân là một trong những cơ quan báo chí ở Việt Nam có nhiều nền tảng mạng xã hội nhất với 5 nền tảng gồm: Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Lotus; tập hợp gần 500.000 bạn đọc đăng ký, theo dõi thường xuyên. Trong đó Fanpage Facebook Báo Quân đội nhân dân Điện tử có tick xanh giúp cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả tốt.

Đặc biệt từ tháng 7/2021, báo Quân đội nhân dân đã phối hợp với mạng xã hội lớn nhất Việt Nam - Zalo cấp phép mở trang Zalo OA báo Quân đội nhân dân Điện tử. Đầu tháng 8/2021, Báo Quân đội nhân dân Điện tử cho ra mắt chuyên mục phát thanh Podcast trên chuyên trang https://media.qdnd.vn và trên các nền tảng như Google Podcast, Apple Podcast, Facebook Podcast, Spotify…

Là một trong những cơ quan truyền thông đa phương tiện lớn – báo Nhân Dân cũng đã sử dụng nền tảng này. Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết: Nơi nào có độc giả thì nơi đó báo cần phải xuất hiện. Lý do đơn giản của chiến lược đa nền tảng là vậy. Báo Nhân Dân cũng phải hướng đến thế hệ Z. Dù mới xuất hiện nhưng tài khoản báo Nhân Dân trên TikTok cũng nhanh chóng thu hút trên 34.000 người theo dõi.

“Báo chí không thể mãi phụ thuộc vào quảng cáo vì nguồn thu này đang ngày một giảm. Để tồn tại lâu dài, các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu như: Tổ chức sự kiện, kinh doanh dữ liệu thông tin, thu phí độc giả trung thành…”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Minh và một số lãnh đạo ban, ấn phẩm của báo Nhân Dân cũng tích cực đưa bài viết, bìa ấn phẩm báo lên Facebook cá nhân, như là cách dẫn dụ bạn đọc, giới thiệu cho nhiều bạn đọc có thêm trải nghiệm, hiểu hơn về báo Nhân Dân.

Thực tế, trên thế giới không ít cơ quan báo chí nổi tiếng như: Washington Post, NBC News, USA Today, ESPN, CBS Sports... đã sớm có mặt trên TikTok.

Ở Việt Nam, báo chí phát triển trong hệ sinh thái truyền thông mới, mà ở đó, mạng xã hội và các nền tảng Internet khác đã góp phần đẩy thông tin báo chí đi nhanh, xa và sâu hơn. Mục tiêu báo chí đang hướng tới là phụng sự công chúng truyền thông là tiếp cận công chúng ở nhiều nền tảng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Khai thác càng nhiều nền tảng, thông tin càng tới được với số đông người dùng.

Phải phát triển theo hướng khoa học

Ưu điểm lớn nhất của TikTok hiện nay là có nhiều thông tin độc quyền, những thông tin đề cập đến những vấn đề nóng, vấn đề nhức nhối mà xã hội quan tâm, được chuyển tải nhanh với các video ngắn, phù hợp thị hiếu người dùng hiện nay. Nếu biết cách quan tâm, chọn lọc thì cơ quan báo chí sẽ có những đề tài rất độc đáo và rất hay, có thể triển khai thành những loạt bài hoặc sản phẩm được sự quan tâm của bạn đọc.

Nhà báo Văn Hùng (Báo Pháp luật Việt Nam) cho rằng, việc tận dụng TikTok và Facebook chứng tỏ sự năng động trong hoạt động, cách tư duy vấn đề đã phát triển hơn. Điều đó cho thấy những lợi thế của công nghệ đang được khai thác triệt để, phục vụ cho công tác phát triển báo chí. Đồng thời, tư duy báo chí thay đổi theo cách tích cực, tức là mang đến những nội dung công chúng cần, chứ không phải sản xuất nội dung mình có.

Đồng quan điểm ấy, thạc sĩ báo chí Phan Văn Tú nhấn mạnh thêm: “Việc khai thác mạng xã hội đối với báo chí không chỉ tạo ra các nền tảng mới để phát hành nội dung, mà còn tạo ra sân chơi, để biến công chúng, từng thành viên mạng xã hội, thành kênh truyền thông thứ cấp của mình. Công chúng vừa là đối tượng phục vụ, vừa là người tiêu dùng tin tức của báo chí nhưng đồng thời lại là kênh phân phối, kênh PR quảng cáo cho báo chí”.

Thạc sĩ báo chí Phan Văn Tú cho rằng, tự thân các cơ quan báo chí cần phải có giải pháp chiến lược trong việc tổ chức nhân sự, trong việc đào tạo lại nhân viên để phục vụ cho mục tiêu đa nền tảng. Các cơ sở đào tạo bồi dưỡng phải đưa vào chương trình việc cung cấp kỹ năng của biên tập viên mạng xã hội, đặc biệt là các kỹ năng sáng tạo sản phẩm, phân tích dữ liệu, tương tác với công chúng truyền thông.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết: Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta chủ động “phản bác” thông tin sai lệch, phủ nhiều tuyến bài viết có thông tin chính thống, mang tính định hướng để át đi những thông tin tiêu cực, giành ưu thế trên không gian mạng. Do đó, các tổ chức, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở cần lập và xây dựng các diễn đàn hiệu quả, cung cấp các nguồn thông tin tích cực, chính thống, tạo sự tương tác, chia sẻ, lan tỏa kịp thời những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo một số chuyên gia công nghệ, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần nâng cao yêu cầu kỹ thuật về khung hình, về cách tạo ấn tượng trong lần lướt mắt đầu tiên, về cách làm nội dung theo xu hướng (trend)... đặc thù của TikTok, các sản phẩm đăng tải trên mạng này cần được xử lý lại cho phù hợp thói quen và tâm lý tiếp nhận của giới trẻ.

Cũng phải nói thêm, TikTok cũng có những hạn chế đáng kể, như số tuổi trung bình của người dùng TikTok là những người trẻ (chiếm khoảng 3/4 số người dùng). Trong khi đó, những thông tin, sản phẩm mà báo chí tạo ra là những vấn đề nhức nhối, nóng sốt trong đời sống xã hội liên quan đến những người đứng tuổi nhiều hơn, chỉ có một số ít liên quan đến giới trẻ. Do vậy, lượng người tiếp cận cũng hạn chế hơn.

Nhà báo Trần Quang Khởi (Báo Pháp luật và Xã hội) cho rằng việc sử dụng nền tảng TikTok một cách có hiệu quả đòi hỏi người làm báo phải có kỹ năng nghề nghiệp tốt, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Cân bằng được điều này luôn là trăn trở cần thiết của những người làm nghề chân chính. Muốn vậy, nhà báo cần luôn ý thức hành động và tuân thủ đúng theo bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội, cũng như những nguyên tắc, quy định của tòa soạn, của cơ quan báo chí. Vì vậy, mỗi người làm báo khi tham gia mạng xã hội cần đặt lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, quốc gia lên trên hết, như là sứ mệnh nghề nghiệp mà mình phụng sự.

TikTok, Facebook được xác định là con dao hai lưỡi, vừa giúp đời sống tinh thần trở nên thú vị, mặt khác lại khiến đạo đức, tư tưởng của con người có thể đi xuống. Mỗi người nên là một người xem thông thái bằng cách biết chọn lọc những nội dung lành mạnh và phải đi đầu trong việc đấu tranh chống lại nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu trong sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí ‘bắt tay’ mạng xã hội: Xu thế không thể đảo ngược