Với cơ chế mở, mạng xã hội đang là công cụ hữu hiệu kết nối xã hội. Thế nhưng trong nhiều trường hợp, các nền tảng này lại đang tiếp tay cho những hành động phản cảm.
Tràn lan “rác” văn hóa
Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay gần như mỗi người dân đều sở hữu ít nhất 1 thiết bị điện thoại thông minh. Theo sự phát triển đó, các nền tảng mạng xã hội cũng đang trở phương tiện hữu ích trong việc kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, cơ chế mở này đang tiếp tay cho hàng loạt hành động, ngôn từ được cho là… “rác” văn hóa.
Lướt trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Tiktok… không khó để tìm thấy hàng trăm đến hàng nghìn video clip nhảm nhí, xấu độc, phản văn hóa. Thậm chí để tăng tính tương tác, rác trên không gian mạng còn được đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức, như nhạc chế nhảm nhí, phim bạo lực rẻ tiền, phim hài, clip nhạt nhẽo vỡi những hình ảnh hở hang, nói tục để câu khách, hay bằng cách livestream đấu tố lẫn nhau.
Đáng buồn hơn, còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ được công chúng biết mặt, nhớ tên. Đơn cử, người đẹp Nam Em thời gian qua liên tục có những cuộc livestream kéo dài trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Nhiều khán giả bày tỏ bất bình và cho rằng, Nam Em đã lợi dụng mình là người của công chúng để lôi kéo cộng đồng, và những phát ngôn thiếu kiểm chứng của cô đã gây ảnh hưởng đến không ít người… Trước Nam Em cũng đã có không ít nghệ sĩ có những phát ngôn vô căn cứ, phản cảm, thậm chí là gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, làm hoang mang dư luận... trong đó có Hương Giang, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân…
Nhìn nhận về thực trạng này, TS Phạm Hải Chung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, nhiều bạn trẻ muốn trở thành người nổi tiếng trên Facebook, Tiktok hay các nền tảng mạng xã hội khác. Trong thế giới thông tin, mọi người đang cho rằng sự chú ý là tất cả và để có được điều đó nên nhiều người đã bất chấp dùng các hình thức để câu view, gây chú ý đối với người xung quanh. Các bạn trẻ rất khó phân biệt được ranh giới mờ giữa thế giới thật và thế giới ảo. Khi các em học những hành vi xấu trên mạng xã hội, tiếp thu những thông tin không được kiểm chứng, không đúng với chuẩn mực về văn hóa, điều đó vô hình chung tác động thực trong đời sống.
Con dao hai lưỡi
Có thể nói, mạng xã hội hiện nay đang trở thành “con dao hai lưỡi” cho chính người sử dụng. Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội nhưng chính sự thờ ơ với vấn nạn “rác văn hóa” diễn ra hàng giờ, hàng ngày đang tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, nhận thức của một bộ phận công chúng.
Thời gian qua, nhiều trường hợp phát tán tin giả, hoặc những nội dung phản cảm bị “tuýt còi”, thế nhưng hiện tượng này sẽ khó chấm dứt bởi hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội. Chưa kể hiện nay, nhiều người sống bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền. Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như một công cụ để kiếm chác. Như trường hợp Hoàng Anh Timmy tại TPHCM, Hưng troll tại Bắc Giang, Thơ Nguyễn tại Bình Dương… đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Thế nhưng ngay sau đó, không ít cá nhân lại tìm cách mở kênh mới. Tình trạng tin giả, tin rác, vẫn không ngừng xuất hiện trên không gian mạng.
TS Phạm Hải Chung cho rằng, hành xử thế nào trên internet thì cũng giống như cách hành xử ở nơi công cộng. Và nếu như các thông tin xấu, độc được phát tán rộng rãi, lâu dài, nó sẽ trở thành trào lưu tác động đến nhận thức của người dùng. Để có không gian mạng lành mạnh thì cần tới trách nhiệm của những nhà cung cấp nền tảng. Facebook hay YouTube đã có nút báo cáo dựa trên những tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt.
Cũng theo các chuyên gia, để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu sử dụng, chọn lọc thông tin để không bị lôi kéo vào các hoạt động xấu, những hành vi vi phạm pháp luật. ThS Lê Trường An bày tỏ, không ít người bao biện, lấy tự do ngôn luận để tùy tiện xả rác trên không gian mạng, tạo thị phi, đánh bóng tên tuổi... “Rác văn hóa” trên mạng đã khiến việc nghe, nhìn của công chúng bị ngộ độc nghiêm trọng. Nhiều người trẻ bị ảnh hưởng, bị dẫn dắt, nghĩ rằng chửi, làm trò xấu, dàn dựng clip giả... sẽ nhanh nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền. “Cái xấu thường dễ bùng phát, cũng như cỏ dại dễ cắm rễ và sống dai, khó diệt. Tuy nhiên, nếu nhà quản lý quyết tâm và bền bỉ, môi trường mạng chắc chắn sẽ sớm quang đãng” - ông An bày tỏ.