Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có việc phân bổ vaccine phòng ngừa Covid-19. Bà Merkel nhấn mạnh, thế giới có thể chế ngự được virus SARS-CoV-2 cũng như hậu quả của đại dịch Covid-19 nếu hợp tác cùng nhau.
Kêu gọi phân bổ công bằng vaccine
Khác với những lần họp trước bàn về nhiều vấn đề, lần này G20 tập trung vào cách thức ứng phó đại dịch Covid-19 và nỗ lực thúc đẩy kinh tế hồi phục một khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Reuters, “không có cách nào khác, các nhà lãnh đạo G20 buộc phải tập trung bàn thảo chuyện mua và phân phối vaccine, trong khi Liên minh châu Âu (EU) thúc giục G20 đầu tư 4,5 tỉ USD để yểm trợ nỗ lực này”. Reuters cũng dẫn lời ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu về đề xuất một hiệp ước quốc tế về Covid-19 nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác toàn cầu để đối phó dịch bệnh đã khiến hơn 58 triệu người mắc bệnh và 1,3 triệu người tử vong cho đến ngày 22/11/2020.
Tại Hội nghị kéo dài 2 ngày của G20, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 đảm bảo việc phân bổ công bằng vaccine phòng Covid-19. Ông Tedros cũng nhấn mạnh rằng các nước G20 vốn chiếm 2/3 dân số thế giới và 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Nhưng, nói như truyền thông EU thì “bão Covid khiến người giàu cũng phải khóc” nên sự đóng góp của họ là không dễ dàng.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đặc biệt lo ngại về tác động của dịch bệnh đối với những nước đang phát triển hiện bên bờ vực nghèo đói và mắc nhiều nợ. “Chúng ta không thể để đại dịch Covid-19 dẫn đến một đại dịch nợ” - ông Guterres nói và hoan nghênh G20 thông qua kế hoạch gia hạn thanh toán nợ đến giữa năm 2021 và để ngỏ khả năng gia hạn thêm.
Cũng tại Hội nghị, một con số được công bố khiến nhiều người giật mình: Tính tới nay G20 đã đóng góp hơn 21 tỉ USD cho cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời bơm 11.000 tỉ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu trước sự tàn phá của virus SARS-CoV-2.
Hiện đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội tại châu Âu, trong đó nước Đức, quốc gia giàu nhất châu lục cũng đã sắp hết giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân. Nước Đức có hệ thống chăm sóc sức khoẻ hàng đầu thế giới nhưng rồi cũng phải vật lộn với đợt bùng phát virus SARS-CoV-2. (Tính trung bình cứ 100.000 dân nước Đức có 33,9 giường bệnh đặc biệt; trong khi con số đó ở Italy là 8,6).
Kênh CNN dẫn nguồn dữ liệu chính thức từ Hiệp hội Y học cấp cứu và chuyên sâu liên ngành Đức (DIVI) cho biết, số lượng bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt của nước này đã tăng từ 267 người vào ngày 21/9 lên 3.615 người tính đến ngày 20/11, tăng gấp 13 lần trong vòng 2 tháng qua. Riêng trong ngày 21/11, số ca mắc Ccovid-19 tại Đức ở mức kỷ lục với 24.000 ca, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức, ông Jens Spahn, đã phải nói trên đài truyền hình rằng: “Chúng tôi thấy gánh nặng ngày càng gia tăng và nguy cơ bị quá tải trong phòng chăm sóc đặc biệt là rất cao”.
Người Mỹ cũng đã “biết tiết kiệm”
Vào đầu giờ sáng 22/11, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, Donald Trump Jr. - con trai cả của đương kim Tổng thống Donald Trump được chẩn đoán mắc Covid-19. Donald Trump Jr. nhận kết quả xét nghiêm dương tính hồi đầu tuần và lập tức cách ly tại nhà riêng.
Thông tin này đến trong lúc hậu bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang rất căng thẳng, và cũng là lúc nước Mỹ vật lộn ở đỉnh dịch Covid-19 (đợt bùng phát thứ hai). Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch. Trang Worldometers thống kê, tính đến hết ngày 21/11, tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là 260.000 người với hơn 12,2 triệu ca mắc trên toàn quốc.
Còn theo tờ Guardian, số bệnh nhân đang phải nhập viện điều trị Covid-19 ở Mỹ cũng đã lên tới hơn 80.000 người.
Nhiều bang và thành phố nước Mỹ đã buộc phải áp dụng các biện pháp gần như phong tỏa hoặc hạn chế. Ví dụ, California áp lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau bắt đầu từ ngày 21/11 đối với 94% trong tổng số 40 triệu cư dân của bang.
Nhưng cũng thật lạ là trong lúc căng thẳng đó, người ta lại thấy sức đề kháng tài chính ở người tiêu dùng Mỹ “mạnh lên bất ngờ”. Cơ quan tài chính Mỹ thông báo, thu nhập khả dụng của toàn dân Mỹ đạt tới 15,7 nghìn tỉ USD vào tháng 9/2020, tăng khá mạnh so với trước khủng hoảng Covid-19.
Thu nhập bình quân của lao động tại Mỹ là 29,50 USD/giờ trong tháng 9, cao hơn mức 28,69 USD/giờ hồi tháng 3. Tổng số tiền vay nợ của người tiêu dùng Mỹ cũng giảm xuống, bởi người Mỹ đã tiết kiệm được khoảng 14,3% thu nhập. Tỉ lệ này cao gấp đôi so với trước đại dịch.
Steve Sadove - Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Mastercard, nhận xét “người dân Mỹ đã biết đến tiết kiệm chi tiêu và điều đó sẽ có ích khi dịch đi qua. Nó sẽ là nền tảng để Covid-19 không thể thổi bay những thành quả kinh tế mới đạt được”.
Nhưng, theo giới chuyên gia, việc tiết kiệm chi tiêu của người Mỹ cũng sẽ khiến tốc độ phục hồi của nền kinh tế chậm lại, trong khi hơn lúc nào hết người ta ao ước tốc độ phát triển phải ở mức độ đột phá.
Giới chuyên gia kinh tế Viện Tài chính quốc tế (IIF) đưa ra dự báo đáng lo ngại: Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng tới 365% trong những tháng tới, kèm theo bình luận đây sẽ là đợt “sóng thần nợ càn quét thế giới”. Cho tới cuối năm 2020, theo IIL, tổng nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục, là 277.000 tỷ USD. Dự báo dựa trên thực tế mức nợ toàn cầu là hơn 272.000 tỷ USD trong quý 3/2020. Vẫn theo IIF, gánh nặng nợ sẽ đặc biệt nặng nề ở các thị trường phát triển, khi tỷ lệ nợ/GPD tại khu vực này đã tăng vọt lên 431% so với tỷ lệ 380% cuối năm 2019. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ giảm 4,4% trong năm nay trong đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.