Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề “nóng”, được người dân đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh triển khai giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về bảo đảm VSATTP”.
Từ chuyên đề giám sát này, những người làm Mặt trận đã phát hiện nhiều vấn đề trong việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực VSATTP đối với cả các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm lẫn cơ quan hữu quan.
Giám sát gián tiếp tại TP Hà Tĩnh.
Tỏa về cơ sở
Để thực hiện chuyên đề giám sát mang tính gai góc nhưng không kém phần tỉ mỉ này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh chủ trì và phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể khác thực hiện. Đầu tháng 9/2019, đoàn giám sát bắt đầu tỏa về các cơ sở.
Bà Dương Thị Hằng - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn giám sát - cho biết: Đoàn thực hiện giám sát theo 2 phương pháp chính là giám sát trực tiếp và gián tiếp. 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; 4 đơn vị cấp xã; 2 đơn vị cấp huyện (huyện Đức Thọ, thành phố Hà Tĩnh) được đoàn đến tận nơi giám sát trực tiếp. Còn phương pháp gián tiếp được thực hiện bằng cách giám sát thông qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã còn lại. Sau gần 3 tháng ở cơ sở, đi sâu vào những vấn đề nổi cộm, đoàn giám sát đã hoàn thành chuyên đề giám sát quan trọng này.
Theo đoàn giám sát, thực tế tại Hà Tĩnh hiện có 276 Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp, trong đó, 1 Ban tuyến tỉnh, 13 Ban tuyến huyện và 262 Ban tuyến xã. Ban Chỉ đạo hoạt động theo quý, 6 tháng, cả năm và tăng cường vào các dịp lễ, Tết.
Quá trình giám sát trực tiếp và gián tiếp, đoàn giám sát nhìn nhận: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về VSATTP nhìn chung được các ngành, các cấp chính quyền quan tâm và xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh Hà Tĩnh, cùng các sở, ngành liên quan, các địa phương đã tham mưu cho UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành công tác bảo đảm VSATTP kịp thời, có hiệu quả. Chính quyền địa phương các cấp đã xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đảm bảo VSATTP.
Bằng nhiều hình thức, các ngành chức năng đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật VSATTP đến người dân. Năm 2019, Sở Y tế đã cấp phát gần 500 băng đĩa; hơn 19.330 tờ rơi, áp phích; gần 450 băng rôn; 128 phóng sự truyền hình, truyền thanh; Sở Công Thương tuyên truyền tại 250 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn tại 7 huyện, thị với hơn 1.000 người tham dự… Công tác tuyên truyền sâu rộng đã phần nào nâng cao ý thức việc chấp hành pháp luật của những người trực tiếp và gián tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm.
Đối với công tác đảm bảo VSATTP, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, chủ động lập kế hoạch và triển khai bảo đảm xuyên suốt trong năm. Đặc biệt, Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Công an và UBND các cấp để thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong các Tháng cao điểm về VSATTP (Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu ...), đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp hay bỏ sót.
Kết quả 9 tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 10.026 lượt cơ sở, trong đó, số cơ sở đạt điều kiện VSATTP là 8.788 lượt cơ sở (chiếm tỷ lệ 85.94%), số cơ sở vi phạm bị xử lý là 445 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp Kho bạc Nhà nước là 900.935.000 đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy hơn 2 tỷ đồng.
Những vấn đề then chốt
Đoàn giám sát thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật đối với lĩnh vực VSATTP. Trong đó, đáng lưu ý nhất là Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các cấp chưa thực sự phát huy được hiệu quả; việc phân công phân nhiệm cho các thành viên chưa rõ rang; sự phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên; việc quản lý VSATTP chủ yếu còn do các ngành chức năng triển khai riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm”, theo chức năng nhiệm vụ của ngành.
Trưởng đoàn giám sát Dương Thị Hằng chia sẻ: Mặc dù các cấp, các ngành đã quan tâm đến công tác tập huấn về kiến thức VSATTP cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm nhưng hiệu quả chưa cao; hoạt động truyền thông giáo dục chưa có nhiều thay đổi về nội dung và hình thức để phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là việc giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh và người dân còn hạn chế; ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm dẫn đến tình trạng mất VSATTP vẫn còn xảy ra.
“Qua giám sát cho thấy: Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về VSATTP; một số cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm về địa điểm, khoảng cách an toàn đối với nguồn gây ô nhiễm, hệ thống xử lý chất thải chưa đảm bảo” – bà Dương Thị Hằng khẳng định.
Đoàn giám sát kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất thực phẩm.
Đoàn giám sát phát hiện việc lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại một số cơ sở chưa được quan tâm, điều kiện ngăn ngừa, ảnh hưởng của độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn chưa đảm bảo; một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng vẫn còn coi nhẹ vấn đề VSATTP, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, mới chỉ tập trung chủ yếu ở các cơ sở có đăng ký ngành nghề kinh doanh, còn ở tuyến tỉnh, tuyến huyện chưa tập trung, vì thế còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trá hình ở các vùng miền khác.
Đặc biệt, một số cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt. Còn có hiện tượng nể nang, bao che trong quá trình xử lý vi phạm, các chế tài xử phạt áp dụng chưa nghiêm, chưa thực sự mạnh dẫn đến tái vi phạm còn nhiều; việc kiểm soát, giám sát ô nhiễm thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến mới chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô tập trung; các cơ sở nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thường xuyên do thiếu lực lương và thiếu phương tiện kiểm tra, kiểm soát; hoạt động tại Ban Chỉ đạo cấp xã, phường chưa hiệu quả vì hầu hết là kiêm nhiệm, chuyên môn không đảm bảo, không đủ năng lực giám sát chất lượng VSATTP; quy trình kiểm nghiệm mẫu thực phẩm kéo dài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó đoàn giám sát nhấn mạnh: Quá trình giám sát chúng tôi nhận thấy các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP và công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã rất đúng và trúng. Nhưng ý thức chấp hành pháp luật VSATTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thấp là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, cần phải có những chế tài đủ mạnh và những người thực thi pháp luật phải xử lý khách quan, kiên quyết, dứt điểm thì vấn đề VSATTP mới đi vào nền nếp.
“Đoàn giám sát đã chỉ ra được những bất cập, hạn chế trong việc thực thi pháp luật về VSATTP. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là hậu giám sát. Đoàn đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị. Nếu các cấp, các ngành nghiêm túc tiếp thu sẽ góp phần kiện toàn, tháo gỡ những “nút thắt” mà cơ quan chức năng cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến đã và đang vấp phải” – bà Nguyễn Thị Mai Thủy khẳng định.