Trước thềm năm học mới 2019-2020, ông Phạm Hùng Anh- Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường, lên phương án cải tạo, sửa chữa hoặc thay thế bổ sung những công trình hư hỏng nặng.
Kiên quyết không đưa những công trình xuống cấp, hết niên hạn vào sử dụng. Địa phương nào vẫn cố tình sử dụng thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ sở giáo dục và của cơ quan quản lý giáo dục địa phương đó.
Kiểm tra cơ sở vật chất trường lớp bước vào năm học mới tại Trường THCS Lê Thanh Liêm (TP Nha Trang, Khánh Hòa).
Trước những băn khoăn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1 vào năm sau, ông Phạm Hùng Anh chia sẻ: Hiện nay, đối với cấp tiểu học nếu tính trên đầu phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, chúng ta mới đạt 72% của 0,96 phòng học/lớp là kiên cố hóa. Còn lại xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. Tình trạng này chủ yếu ở vùng miền núi phía Bắc; vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Bài toán đặt ra là, nếu học 2 buổi/ngày thì phải khắc phục được tình trạng này. Với tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố ở cấp tiểu học như trên thì đến năm 2020, nếu áp dụng dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học, vì thời điểm này từ lớp 2 - 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là, sau năm 2020 sẽ thiếu phòng học khi mà các khối lớp cũng sẽ học 2 buổi/ngày. Do đó, khắc phục tình trạng này, Bộ GDĐT đã tham mưu với Chính phủ xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương. Trên tinh thần ấy, nhiều địa phương đã có phương án chuẩn bị và có cách làm hay. Chẳng hạn như các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu để đầu tư một công trình trường học thì cần rất nhiều thủ tục liên quan và nguồn kinh phí tương đối lớn. Theo đó, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình “3 cứng”: Nền cứng, tường cứng và mái cứng, kinh phí đầu tư khoảng 30 - 40 triệu đồng là có được một phòng học kiên cố.
Có một thực tế hiện nay, ở các thành phố lớn, mật độ dân số đông, thiếu quỹ đất dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh/lớp quá đông. Chẳng hạn như quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy mô dân số vào khoảng 25 vạn dân. Nhưng đến thời điểm này đã đạt xấp xỉ 29 vạn dân. Tức là đã vượt xa quy hoạch. Tăng dân số đã gây áp lực lên hệ thống trường học. Theo ông Phạm Hùng Anh, để khắc phục được tình trạng này một cách lâu dài, việc đầu tiên là các thành phố và các quận, huyện ở đô thị phải làm tốt khâu quy hoạch và dự báo. Bởi khi chúng ta tăng trưởng kinh tế, thì vấn đề di dân đến các vùng đô thị, thành phố lớn sẽ xảy ra. Địa phương cũng phải dành quỹ đất cho phát triển giáo dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quy hoạch của các thành phố lớn, quỹ đất dành cho phát triển giáo dục làm chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Bộ cũng đã có chỉ đạo các địa phương, 1 trong 9 nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới 2019 - 2020 là, làm tốt công tác rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển giáo dục.
Ngoài ra, Bộ cho phép các cơ sở giáo dục ở nội đô, nếu đủ điều kiện về mặt kỹ thuật thì được nâng tầng các công trình trường học lên. Sau khi Bộ có chủ trương này, một số trường ở Hà Nội đã giải quyết khá tốt và bổ sung thêm nhiều phòng học. Một giải pháp nữa là, chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lại các phòng làm việc sử dụng chung diện tích mang tính chất hành chính nhằm tối ưu hóa công năng sử dụng, giành lại diện tích để có thêm phòng học…
Dẫu thế theo ông Phạm Hùng Anh, những giải pháp tình thế này cũng chỉ khắc phục ở một giới hạn nhất định. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là công tác rà soát lại tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số.