Trong lịch sử chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ khi đất nước lâm nguy. Đó là sức mạnh truyền thống của dân tộc ta được hun đúc hàng ngàn năm mà có. Sức mạnh truyền thống ấy luôn được giữ gìn, luôn được phát huy trên con đường dựng nước và giữ nước.
Sự gắn bó máu thịt, sắt son trong quan hệ Đảng - Dân.
85 năm qua trong lịch ịch sử nước nhà cho thấy mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế lịch sử đất nước đã chứng minh hùng hồn, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là lực lượng chính trị duy nhất, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự kiện Cách mạng tháng Tám 70 năm trước là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về chất của Đảng Cộng sản Việt Nam: Từ vai trò một tổ chức chính trị vận động, tuyên truyền, lãnh đạo phong trào cách mạng sang vị thế một Đảng cầm quyền và đã lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong 70 năm nay.
Thắng lợi to lớn ấy là kết quả của đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay sau khi ra đời, nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấy được sự cần thiết phải tập hợp sức mạnh quần chúng nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đây là tổ chức tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh của cách mạng, trong đó hạt nhân là những người cộng sản. Họ đã không sợ tù đày, xiềng gông, đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng giới cần lao.
Những tấm gương ấy thực sự cuốn hút nhiều quần chúng noi gương, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Họ chiến đấu, hy sinh như những người cộng sản! Uy tín của Đảng từng bước thấm sâu, ngấm lâu vào tiềm thức của lớp người lao khổ. Nhân dân đặt niềm tin lớn lao vào Đảng, nên sẵn sàng đi theo, che chở, ủng hộ, tạo thành một lực lượng to lớn với sức mạnh như nước vỡ bờ tạo nên thắng lợi cách mạng tháng Tám.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Đảng đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức Mặt trận, phù hợp với mục tiêu đấu tranh ở mỗi thời kỳ. Những tên gọi: Mặt trận dân chủ Đông Dương, Mặt trận Thống nhất phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh là những hình thức tổ chức khác nhau của Mặt trận dân tộc thống nhất trước cách mạng tháng Tám. Tuy tên gọi khác nhau, nhưng đều do Đảng lãnh đạo. Qua đó, thấy rõ sự sáng tạo chính trị của Đảng ta trong việc đa dạng hóa hình thức Mặt trận nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng.
Thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Việt Nam cho thấy, Đảng đã hoà mình cùng quần chúng lao khổ tranh đấu giành, giữ độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nên Đảng thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh, là lợi ích, bổn phận và cũng là điều kiện tồn tại của Đảng cầm quyền.
Có thể nói rằng, trong 85 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã thể hiện hình ảnh mẫu mực quan hệ sắt son, máu thịt giữa Đảng và Dân trong đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh chống xâm lược, đồng thời, cũng ghi đậm những dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình, mà đỉnh cao là Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự vận động cách mạng ấy của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đạt tới tầm nghệ thuật.
Bằng tấm gương tiên phong hy sinh, phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, Đảng thực sự đã hóa thân vào Mặt trận để vừa lãnh đạo quần chúng nhân dân, vừa cùng nhân dân đấu tranh trong thời kỳ máu lửa. Bằng hành động cụ thể, Đảng ta vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, lại vừa thực sự là tổ chức thành viên- một thành viên gương mẫu, tiên phong trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì thế, Đảng xứng đáng là lực lượng dẫn dắt xã hội Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc nên được “dân tin, dân phục, dân yêu, dân theo”. Chính Đảng ta tạo ra sự gắn bó máu thịt, sắt son trong quan hệ Đảng - Dân.
Như thế, quyền lãnh đạo Mặt trận không phải Đảng tự phong cho mình, mà như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Đảng có sự “trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất” trong đấu tranh cách mạng nên được nhân dân thừa nhận và suy tôn. Chính vì thế, mới ra đời được 15 năm, với hơn 5.000 đảng viên, được dân tin và ủng hộ, Đảng ta cùng nhân dân làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám và lập nên Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông-Nam Á.
Với vai trò cầm quyền, Đảng đã thể hiện xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến thắng lợi chống thực dân và đế quốc. Từ đó, qui tụ sức mạnh dân tộc kết hợp sức dân tộc với sức mạnh thời đại làm nên những thành tựu đổi mới có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc thời đại; thế và lực của đất nước ngày càng được tăng cường và được khẳng định trên trường quốc tế.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một chủ trương lớn của Đảng ta, luôn được chăm lo, quan tâm xây dựng. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, có đoạn đánh giá tình hình, Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc…
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, của Đảng về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thực sự tôn trọng, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân có lúc có nơi mang tính hình thức, hành chính, không bám sát cơ sở.
Trong Dự thảo cũng đã chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ nhằm khắc phục những yếu kém, khuyết điểm thời gian qua. Để phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thiết phải thực hành lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi Người đi xa: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” và” từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(Di chúc).
Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh, tổ chức đảng luôn phải là hạt nhân qui tụ đoàn kết trong, ngoài Đảng. Muốn qui tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải đoàn kết trong Đảng. Muốn có đoàn kết thực sự thì phải thực hành dân chủ thường xuyên, dân chủ để tự phê và phê bình trên tinh thần xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng. Tự phê và phê bình của mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy luôn là vũ khí xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là phương tiện củng cố khối đoàn kết trong Đảng.
Hôm nay, khi tình hình thời cuộc có nhiều biến đổi khó lường, khi nhu cầu bảo vệ chủ quyền cương vực quốc gia đặt trong mối quan hệ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, khi yêu cầu củng cố nội lực quốc gia vững mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, thì nhân tố tăng cường dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí trong Đảng- hạt nhân của Đại đoàn kết toàn dân tộc, càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, trong quá trình đổi mới cũng xuất hiện không ít những trở lực cho phát triển đất nước và tạo hệ lụy có thể làm mờ phai quan hệ Đảng - Dân. Đảng đã chỉ ra và đang từng bước khắc phục, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, nhất là sự thoái hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ”. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh vì thế, trước hết là bổn phận tự thân của Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn thể nhân dân lao động đối với Đảng cầm quyền. Xây dựng Đảng trong sạch, đoàn kết là sự bảo đảm vững chắc cho chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.