Bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam

Như vậy có thể thấy vai trò của 18/01/2017 15:35

LTS: GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa có bài viết quan trọng khẳng định vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đại Đoàn Kết Online xin giới thiệu toàn văn bài viết này.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giai cấp nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến nâng cao vai trò của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi ích cho người nông dân. Những thách thức đối với giai cấp nông dân hiện nay đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu phát triển nông nghiệp nói riêng và khu vực nông dân, nông thôn nói chung, qua đó, giai cấp nông dân có thể nâng cao vị thế chính trị và bảo đảm quyền làm chủ của mình.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa V diễn ra ngày 18/1, tại Hà Nội.

1. Vấn đề đặt ra đối với cơ cấu lại nông nghiệp và vị thế của giai cấp nông dân

Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, nhất là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đều khẳng định vai trò chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ta đều coi nông dân và nông thôn là cơ sở và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái…

Qua 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất các cây, con không ngừng tăng lên, trong đó có trên 10 loại cây, con có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới (cá tra, điều, tiêu, cà phê, dừa, cao su, gạo...); sản lượng nhiều sản phẩm tăng nhanh, trong đó có 10 loại nông phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (tiêu - thứ 1, điều - thứ 2, cà phê - thứ 2, sắn khô - thứ 2, rau quả tươi - thứ 2, dừa - thứ 2, gạo - thứ 3, thủy sản - thứ 3, cao su - thứ 3, chè - thứ 3).

Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh, GDP nông nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại[1]. Nông nghiệp Việt Nam có 4 bất cập vẫn tồn tại kéo dài. Một là, hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Hai là, thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ba là, Thu nhập của nông dân thấp hơn nhiều so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp chiếm khoảng 47% lao động nhưng chỉ đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa (năng suất lao động nông nghiệp bằng 40,4% năng suất lao động bình quân cả nước, năng suất lao động công nghiệp - dịch vụ bằng 152,8% năng suất lao động bình quân cả nước), tức là năng suất lao động hay giá trị gia tăng bình quân của 1 nông dân tạo ra chỉ bằng 26,4% giá trị gia tăng bình quân 1 lao động trong công nghiệp và dịch vụ tạo ra (Việt Nam là nền kinh tế có 2 trình độ về năng suất lao động và 2 trình độ về mức sống). Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.

Nguyên nhân tổng quát của các bất cập kéo dài trong nông nghiệp của Việt Nam là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất của nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và hội nhập quốc tế.

Đa số hộ nông dân của nước chúng ta, những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp, rất nhỏ về tiềm lực kinh tế, sản xuất đơn lẻ và không tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011 nước ta có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, tương đương một miếng đất có chiều rộng 40m và chiều dài 50m, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha, chỉ 20% lớn hơn 1 ha. Cả nước có 10,36 triệu hộ trồng cây hàng năm, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,62 ha; 5,1 triệu hộ trồng cây lâu năm thì mỗi hộ chỉ canh tác trên diện tích bình quân 0,7 ha. Cả nước có hơn 4 triệu hộ nuôi lợn thì 77% các hộ nuôi dưới 5 con, có 7,9 triệu hộ nuôi gà thì 90% nuôi dưới 49 con.

Hiện nay, bình quân một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp thì 97,05% không được đào tạo có chứng chỉ về nghề nghiệp, chỉ có 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, 1,23% trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học. Như vậy, lực lượng chủ lực của nông nghiệp nước ta là hơn 10 triệu hộ nông dân, với bình quân chỉ có 2 lao động/hộ, hầu hết chưa qua đào tạo nghề, diện tích đất canh tác thì 80% dưới 1 ha, thiếu vốn thường xuyên. Nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, khả năng chịu đựng rủi ro rất thấp, tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo rất dễ xảy ra. Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành các đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu chúng ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có một thời gian dài nhận thức của chúng ta về bản chất và vai trò HTX trong nông nghiệp chưa phù hợp với quy luật phát triển HTX ở các nước khác trong hơn 150 năm qua. Vì vậy, tác dụng và hiệu quả của HTX còn hạn chế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay cả nước có hơn 10.000 HTX nông nghiệp, thu hút khoảng 45% lao động nông nghiệp. Đa số các HTX chỉ cung cấp một số đầu vào cho thành viên HTX như giống, phân bón, thức ăn, nhưng hơn 90% HTX không quan tâm đến điều thành viên HTX quan tâm nhất đó là tiêu thụ sản phẩm của hộ thành viên HTX. Hiện nay các HTX hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự phát: tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm không theo hợp đồng cho thương nhân, không biết trước ai sẽ mua, mua theo giá nào, mua với khối lượng bao nhiêu. Trong bối cảnh 95% hộ nông dân không được các HTX dự báo nhu cầu sản phẩm, quy hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho họ thì các đòi hỏi rất hợp lý về nguyên tắc, nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân và các đòi hỏi của hội nhập quốc tế đối với gần 10 triệu hộ nông dân là khó khả thi.

Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta đang tồn tại sáu mâu thuẫn sau:

Một là, “Sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường”. Với quy mô bình quân mỗi hộ nông dân có 2 lao động, diện tích canh tác không quá 1 ha, 97% lao động không qua đào tạo nghề nghiệp thì các hộ này không đủ khả năng nghiên cứu thị trường, không thể dự báo thị trường và lập kế hoạch sản xuất của mình theo nhu cầu thị trường. Chỉ có HTX và các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách được đào tạo về phân tích thị trường và sử dụng thông tin thị trường do các cơ quan nhà nước cung cấp thì mới biết nhu cầu thị trường là thế nào.

Hai là, “Hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn”. Một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1 ha, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân, không thể là đối tác thực sự của các ngân hàng để được vay theo chính sách ưu đãi của nhà nước. Ngân hàng không thể cho 10 triệu hộ nông dân riêng lẻ như vậy vay mà tin rằng có thể thu hồi vốn ở hầu hết các trường hợp. Chỉ khi các hộ liên kết lại thành HTX thì HTX hướng dẫn cho thành viên HTX sản xuất theo kế hoạch, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng HTX đã ký kết, giám sát, giúp nhau áp dụng giống và kỹ thuật mới thì các ngân hàng mới có thể cho họ vay thông qua sự đảm bảo bằng các kế hoạch sản xuất – kinh doanh của HTX. Hiện nay, việc cho hộ ngư dân vay để đóng tàu mới đã yêu cầu hộ ngư dân phải là thành viên của HTX hoặc tổ sản xuất ngư dân trên biển.

Ba là, “Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm”. Một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1 ha, phải làm để nuôi 4 người là điều rất khó khăn. Theo kinh nghiệm quốc tế, để nông dân có thu nhập nuôi được mình và gia đình với mức sống trung bình, bình quân một hộ phải có ít nhất 2 ha đất. Trong bối cảnh các hộ nông dân không thể tăng được diện tích đất canh tác, các hộ nông dân ở nước ta chỉ còn 1 con đường ngắn hạn là tăng năng suất cây, con, hoặc dài hạn là phải chuyển đổi sang nuôi trồng các cây, con có hiệu quả cao hơn. Với sự lao động cần cù, sáng tạo của nông dân cả nước, năng suất các cây, con chủ lực của nước ta không ngừng tăng lên. Ví dụ như lúa, năm 1992 năng suất bình quân của châu Á là 2,95 tấn/ha, còn của ta là 2,5 tấn/ha. Đến năm 2012, năng suất lúa bình quân của châu Á tăng lên 4,5 tấn/ha, còn của Việt Nam đã tăng lên 5,63 tấn/ha. Như vậy, trong vòng 20 năm, năng suất lúa bình quân của châu Á tăng 1,55 tấn/ha, còn của Việt Nam là 3,13 tấn/ha, vì vậy từ chỗ năng suất lúa của Việt Nam thấp hơn châu Á 0,45 tấn/ha, đến nay đã cao hơn 1,13 tấn/ha. Việt Nam đã nằm trong số các nước có năng suất lúa bình quân cao nhất thế giới. Cá tra của ta có năng suất bình quân 270 tấn/ha, đứng đầu thế giới, còn nước đứng thứ 2 là Indonesia năng suất là 107 tấn/ha, thứ 3 là Thái Lan với 78 tấn/ha. Năng suất của Philippines là 10 tấn/ha, còn của Mỹ là 5 tấn/ha. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là, vì sao năng suất lúa và các tra của ta không ngừng tăng lên, thuộc loại hàng đầu thế giới, mà người trồng lúa và nuôi các tra vẫn có thu nhập thấp, là biểu hiện cụ thể của nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”. Nếu năng suất tăng, song giá các nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng, giá đầu ra không tăng thậm chí giảm, thì thực tế thu nhập của người nông dân không tăng bao nhiêu. Một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1 ha, không có tư cách pháp nhân, thiếu vốn, không thể có tư thế để đàm phán với người bán các yếu tố đầu vào cho sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hộ nông dân mua với số lượng ít, đến vụ phải mua, vì không mua sẽ quá thời vụ thì việc từng hộ nông dân bị ép giá mua cao là tất yếu. Từng hộ nông dân với sản lượng ít không thể ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại mà phải bán cho các tư thương. Các hộ nông dân riêng lẻ không thể đàm phán với tư thương để bán đầu ra, vì họ bán rất ít sản phẩm, đến vụ phải thu hoạch cho nên họ phải bán để có tiền trả nợ vay đầu vụ sản xuất, để lâu càng giảm giá, nên hộ nông dân bị ép giá bán đầu ra thấp là tất yếu. Thị trường đầu vào và đầu ra các sản phẩm nông nghiệp nước ta thực chất không là thị trường cạnh tranh mà là thị trường do người bán đầu vào, người mua đầu ra chi phối, còn hộ nông dân sản xuất riêng lẻ thì yếu thế, không bình đẳng, chịu thiệt thòi. Chính vì vậy mà mặc dù năng suất cây, con có thể không ngừng tăng, song thu nhập của các hộ nông dân không tăng bao nhiêu. Chỉ có HTX với sức mua gấp hàng chục, hàng trăm lần một hộ mới có sức mạnh kinh tế để lựa chọn doanh nghiệp bán đầu vào và mua đầu ra, đàm phán về giá cả. 10 triệu hộ nông dân đơn lẻ là 10 triệu hộ nông dân yếu thế trên thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Nếu bình quân cứ 100 - 300 hộ thành lập một HTX thì từ 10 triệu hộ nông dân sẽ hình thành 33.000-100.000 HTX là những pháp nhân kinh tế, có sức mạnh kinh tế, để thực sự tạo ra thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh. Chỉ khi đó, năng suất nuôi, trồng tăng mới dẫn đến tăng thu nhập thực sự cho người nông dân.

Bốn là, “Nông dân cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, song mỗi doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ”. Một trong những giải pháp có thể hỗ trợ người nông dân là các doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với năng lực có hạn, một doanh nghiệp cũng khó mà cùng một lúc liên kết với 1.000 hoặc 5.000 hộ nông dân để hướng dẫn họ sản xuất cùng một loại cây, nuôi cùng một loại con và giám sát họ hàng ngày thực hiện quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ. Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) là một ngoại lệ. Với tình cảm sâu sắc với nông dân, công ty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 20.000 hộ nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất trên các cánh đồng lớn. Công ty hỗ trợ nông dân về giống chất lượng cao, hướng dẫn quy trình sản xuất hiện đại và tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Để làm được điều này, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phải phát triển một đội ngũ hướng dẫn viên ruộng đồng (kỹ thuật viên “3 cùng”) gồm hơn 1.200 người là các cán bộ tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng nông nghiệp, bình quân một hướng dẫn viên hướng dẫn 20-25 hộ nông dân. Song, đến nay Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cũng không thể mở rộng cách làm này hơn nữa mà đã đề xuất cần thành lập các HTX kiểu mới để nông dân tự quản. Công ty vẫn hỗ trợ nông dân và tiêu thụ sản phẩm cho HTX, song đối tác của công ty không phải hàng vạn hộ nông dân mà chỉ là các HTX. Hiện nay Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai kế hoạch hỗ trợ thành lập khoảng 200 HTX nông nghiệp từ 20.000 hộ nông dân đã liên kết với Tập đoàn thời gian trước.

Năm là, “Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ”. Sản phẩm của nông dân muốn tiêu thụ với quy mô lớn và xuất khẩu phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, đây là đòi hỏi hợp lý. Song, không một tổ chức kiểm tra và chứng nhận chất lượng sản phẩm nào có thể kiểm tra, cấp chứng nhận và tái kiểm tra chất lượng cho 10 triệu hộ nông dân với quy mô canh tác không quá 1 ha, chỉ có 2 lao động, trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con khác nhau. Bản thân chi phí để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểm định và chứng nhận chất lượng sản phẩm sẽ là quá cao đối với từng hộ nông dân. Chỉ có HTX với quan hệ chặt chẽ với thành viên HTX, hướng dẫn và giám sát lẫn nhau, với quy hoạch sản xuất có tính ổn định, với lực lượng chuyên trách về khoa học, công nghệ, có tư cách pháp nhân mới là đối tác của các tổ chức kiểm tra và chứng nhận về chất lượng sản phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Sáu là, “Nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học – công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau”. Chúng ta đặt ra đòi hỏi người nông dân phải liên kết với các nhà khoa học. Các cơ quan nghiên cứu khoa học, lực lượng khuyến nông của nhà nước không nhiều, kinh phí hạn chế, các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông không thể đi hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho 10 triệu hộ nông dân với diện tích canh tác bình quân không quá 1 ha, lại có thể trồng các loại cây, nuôi các loại con khác nhau. Chỉ khi có HTX với các hộ cùng trồng một loại cây, nuôi một loại con, với một số cán bộ kỹ thuật của chính mình, mới là các đối tác của các nhà khoa học và cán bộ khuyến nông để có thể chuyển giao giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có hiệu quả

Tóm lại, chừng nào mà nền sản xuất nông nghiệp nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi, sáu mâu thuẫn nói trên đã tồn tại hàng chục năm sẽ tiếp tục tồn tại. Các hộ nông dân với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha, chỉ có 2 lao động, 97% chưa được đào tạo nghề, thiếu vốn, không thể thực hiện đồng thời 3 chức năng của đơn vị kinh tế trong cơ chế thị trường: nghiên cứu thị trường và qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và lợi thế của mình, tổ chức sản xuất hiệu quả cao và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Thực tế các hộ nông dân Việt Nam chỉ có thể làm được chức năng là tổ chức sản xuất hiệu quả cao, song không thể làm được 2 chức năng: nghiên cứu thị trường, qui hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật HTX năm 2012 và các HTX kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.

Để phát huy vai trò chủ thể của người nông dân rất cần thiết đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, với những giải pháp đủ mạnh giúp thay đổi căn bản nhận thức, hành động của người dân, đồng thời cần những chính sách hợp lý để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân chủ động và tích cực tổ chức sản xuất, cải thiện thu nhập, góp phần phát triển khu vực nông thôn ổn định và bền vững.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XII của Đảng (2016) tiếp tục khẳng định quan điểm của Đại hội XI của Đảng "Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới"[2]. Đây là sự khẳng định đúng đắn, cần thiết của Đảng ta nhằm khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của nông dân, nông thôn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và bảo đảm những quyền lợi chính đáng của nông dân.

2. Phát triển các HTX kiểu mới và Liên hiệp HTX, phát huy vai trò của Hội Nông dân và Liên minh HTX Việt Nam, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam trong cơ cấu lại nông nghiệp, bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế về bản chất là thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước.

Hình 1: Chuỗi sản xuất nông nghiệp

Hình 1 biểu hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp, chuỗi này không thay đổi trong quá trình cơ cấu lại, trong đó quan hệ các bên không thay đổi, đều là quan hệ thị trường:

- Thị trường đầu vào (1-2)

- Thị trường đầu ra (2-3)

- Thị trường sản phẩm trước chế biến (3-4)

- Thị trường sản phẩm trước phân phối (4-5)

- Thị trường sản phẩm tiêu dùng cuối cùng (5-6)

Ở đây, xuất hiện một số vấn đề trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, đó là:

a) Nông dân cá thể tự mua đầu vào, bán đầu ra (1-2, 2-3), phụ thuộc vào yếu tố thời vụ: không bán được hoặc khó bán sản phẩm vì bị ép giá, chất lượng do bất lợi thế của hộ nông dân trong đàm phán với người bán đầu vào (có tổ chức, liên kết) và người mua đầu ra (có tổ chức, liên kết).

b) HTX mua đầu vào (1-2), HTX bán đầu ra (2-3): HTX có sức mạnh kinh tế để đàm phán mua đầu vào, bán đầu ra có lợi cho hộ nông dân xã viên của HTX.

c) Chế biến, bảo quản: mua lẻ (3-4), bán sỉ (4-5):

- Nếu Khâu chế biến, bảo quản (4) là các hộ cá thể thì sẽ bị các công ty phân phối (bán sỉ, bán lẻ) (5) ép giá và điều kiện bán vì các hộ không có khả năng đàm phàm về giá và điều kiện bán.

- Nếu Khâu phân phối (5) là Liên hiệp HTX[3] của các HTX sản xuất (2+3+4) thì các HTX sản xuất, các hộ nông dân chi phối Liên hiệp HTX (5) (phục vụ lợi ích của các HTX) và Liên hiệp HTX (5) có năng lực đàm phán với doanh nghiệp thương mại hoặc Liên hiệp HTX (5) có hệ thống tiêu thụ riêng và trực tiếp xuất khẩu.

Như vậy, có thể thấy, vai trò chủ thể của hộ nông dân Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp được thực hiện về kinh tế qua việc hình thành chuỗi liên kết: Hộ Nông dân – HTX – Liên hiệp HTX. HTX và Liên hiệp HTX có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp xuất khẩu và tiêu thụ qua chuỗi cửa hàng, siêu thị riêng của mình.

Xem xét các hình thức cơ bản trong liên kết sản xuất nông nghiệp như sau:

(1) Hộ nông dân không liên kết

- Hộ nông dân là chủ đất (hoặc có quyền khai thác biển).

- Hộ nông dân mua trực tiếp các nguyên liệu đầu vào, số lượng ít, không đảm bảo được chất lượng, không đàm phán được giá mua (giá cao). Hộ nông dân bán sản phẩm cho tư thương số lượng ít, không thương hiệu, bị ép giá, ép chất lượng. Điều này dẫn đến hộ nông dân bị lép vế bởi không có năng lực đàm phán trên cả 2 thị trường đầu vào, đầu ra. Năng suất của hộ nông dân có thể rất cao, song thu nhập vẫn rất thấp vì bị ép giá 2 đầu. Với qui mô đất bình quân của 1 hộ nông dân là 3.000 – 5.000m2 (80% hộ nông dân có diện tích đất dưới 1 ha), mỗi hộ bình quân có 2 lao động, 97% lao động nông nghiệp không qua đào tạo cơ bản về nghề nông, vốn hầu như không có, thì các hộ nông dân riêng lẻ không đủ điều kiện để tận dụng các hỗ trợ của nhà nước về ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

(2) Hộ nông dân làm thuê cho doanh nghiệp

- Hộ nông dân là chủ đất.

- Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, tiêu thụ thế nào, điều kiện hợp đồng với các hộ nông dân làm thuê thế nào, cung cấp các đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát hộ nông dân tuân thủ kỹ thuật.

Với hình thức này, hộ nông dân không được sự hỗ trợ của nhà nước về vay vốn, đào tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (doanh nghiệp chịu trách nhiệm). Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá mua sản phẩm nông dân không đàm phán được. Nông dân lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thay đổi chính sách thì nông dân phải chấp nhận, hoặc bỏ hợp đồng lại trở thành hộ sản xuất cá thể.

Ví dụ: Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (sau này là Tập đoàn Lộc Trời) đã hợp đồng với 20.000 hộ nông dân để sản xuất lúa.

(3) Hộ nông dân liên kết thành lập HTX

- Nông dân là chủ đất, chủ sở hữu chuồng trại, tư liệu sản xuất của riêng mình, chịu trách nhiệm về tổ chức sản xuất, hiệu quả sản xuất của mình (sở hữu kép của nông dân: vốn góp vào HTX và vốn đầu tư sản xuất của riêng mình).

- HTX nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, sản xuất như thế nào, hợp đồng bán đầu vào cho các hộ nông dân, mua đầu ra của các hộ nông dân, bán các đầu vào (HTX hạch toán không lỗ) giá thấp hơn thị trường bán lẻ, kiểm soát được chất lượng đầu vào (mua tận gốc, số lượng lớn).

- HTX tiêu thụ sản phẩm của các hộ: có khả năng đàm phán cao (qui mô lớn, chất lượng đồng nhất, kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm).

- HTX hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật mới, giám sát tuân thủ các yêu cầu chất lượng, lập quỹ dự phòng rủi ro của HTX để hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro (hạch toán kép trong HTX: hạch toán của các hộ nông dân (thu nhập của hộ) và hạch toán của HTX (thu nhập của HTX)).

- HTX xây dựng thương hiệu, lựa chọn đối tác tiêu thụ sản phẩm, có thể xây dựng các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm riêng, nhà kho dùng chung cho các xã viên.

- Liên minh HTX hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh, giám sát (kiểm toán các HTX); kiểm soát kép (HTX tự kiểm soát qua Hội nghị thành viên, Ban Kiểm soát của HTX và Liên minh HTX kiểm toán, tư vấn).

- HTX với lực lượng chuyên trách về kỹ thuật, công nghệ, về kế hoạch – tài chính, về tiêu thụ sản phẩm, có tài sản riêng, có tư cách pháp nhân chính là đối tác thích hợp để tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước cho các hộ nông dân: vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, đào tạo, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Mô hình liên kết sản xuất qua HTX và hỗ trợ của Liên minh HTX đảm bảo tính tự chủ cao của người nông dân, hộ nông dân không mất đất đai, tài sản riêng (có quyền chi phối HTX). Tuy nhiên, một số HTX mới, năng lực nghiên cứu thị trường, tự tiêu thụ sản phẩm còn yếu.

Ví dụ: HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền, Lào Cai; HTX Nông nghiệp Long Bình, An Giang; HTX nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Kiết, Đắc Lắc.

(4) Hộ nông dân liên kết qua HTX và HTX liên kết qua thành lập Liên hiệp HTX tiêu thụ sản phẩm và cung cấp đầu vào cho HTX

- Hộ nông dân là chủ đất, chủ chuồng trại, tư liệu sản xuất của mình, chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất theo kế hoạch của HTX, chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất của mình.

- Các HTX cùng nhóm sản phẩm (lúa, trái cây, rau, tiêu, các, gà, heo,...) thành lập Liên hiệp HTX để tiêu thụ sản phẩm của mình (xây dựng thương hiệu của Liên hiệp HTX hoặc sử dụng thương hiệu của HTX), kể cả xuất khẩu và mua các đầu vào dùng chung cho các HTX (theo nhu cầu của HTX), đảm bảo chất lượng, giá thấp hơn thị trường bán lẻ. Liên hiệp HTX có thể xây dựng hệ thống cửa hàng của mình để tiêu thụ sản phẩm của các HTX.

- Các HTX phối hợp với Liên hiệp HTX nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu, tiêu thụ thế nào (trực tiếp hoặc qua Liên hiệp HTX), sản xuất như thế nào, hợp đồng cung cấp dịch vụ đầu vào cho các hộ xã viên và mua sản phẩm của các hộ xã viên.

- Các HTX vẫn có thể tự mua một số đầu vào và tự tiêu thụ một số sản phẩm.

- Liên hiệp HTX chỉ nhận tiêu thụ sản phẩm của các HTX theo các yêu cầu của mình (an toàn thực phẩm, khối lượng tiêu thụ, giá cả cho các HTX). Liên hiệp HTX nâng cao hiệu quả kinh tế của HTX và hộ xã viên, giảm gánh nặng tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Khả năng đàm phán của Liên hiệp HTX rất cao (mua số lượng lớn, bán sản phẩm chất lượng cao).

Vì Liên hiệp HTX là do các HTX lập ra, các HTX hoàn toàn kiểm soát Liên hiệp HTX hoạt động phục vụ cho lợi ích các HTX.

Ví dụ: Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCAMart, thuộc Liên minh HTX Việt Nam).

(5) Hộ nông dân liên kết qua HTX và HTX hợp đồng tương đối ổn định với các doanh nghiệp để mua đầu vào và tiêu thụ sản phẩm

- Hộ nông dân là chủ đất, chủ chuồng trại, tư liệu sản xuất của gia đình, chịu trách nhiệm về tổ chức sản xuất của mình, tiêu thụ sản phẩm qua HTX, HTX có thể liên kết với doanh nghiệp đầu ra để tiêu thụ sản phẩm.

- HTX có thể ký hợp đồng tương đối dài hạn để mua đầu vào và bán đầu ra với 1 số doanh nghiệp. HTX có quyền và năng lực đàm phán trực tiếp cao (có thể lựa chọn doanh nghiệp để ký hợp đồng).

- Đối với 1 số đầu vào và đầu ra, HTX còn có thể trực tiếp mua hoặc bán ra thị trường.

- Các HTX đang cùng mua 1 số đầu vào từ 1 doanh nghiệp hoặc cùng bán đầu ra cho cùng 1 doanh nghiệp có thể phối hợp với nhau trong việc đàm phán hợp đồng mua, bán để tăng khả năng đàm phán, tránh việc bán phá giá.

- Có thể 1 doanh nghiệp vừa bán đầu vào cho HTX vừa mua đầu ra của HTX. Cách này làm giảm gánh nặng tổ chức mua đầu vào và tiêu thụ sản phẩm của HTX, song cũng tăng tính lệ thuộc của HTX vào 1 doanh nghiệp.

Qua nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp, có thể rút ra kết luận: Nông dân liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để giữ được đất, đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân, từ đó làm cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập Liên hiệp HTX hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Thông qua phương thức sản xuất HTX và Liên hiệp HTX, vị thế của người nông dân trong đàm phán mua bán trên thị trường đầu vào và đầu ra được thay đổi căn bản, là tiền đề để phân phối lại giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đây là xu hướng đúng đắn cần hỗ trợ phát triển. Nếu có chính sách tốt, đến năm 2025 sẽ có tới 75% trong số 10 triệu hộ nông dân liên kết qua HTX (Xem hình 2).

Hình 2: Ước lượng khả năng phát triển của các loại hình hộ nông dân sản xuất trong kinh tế thị trường của Việt Nam (2025)

Việc thành lập các HTX kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như Liên minh HTX Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chính quyền các cấp là rất quan trọng. Đặc biệt cần có chương trình phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX Việt Nam để phát triển các HTX kiểu mới. Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các HTX ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất. Qua thực tế hoạt động và phong trào thi đua sản xuất giỏi của Hội Nông dân hàng chục năm qua, hiện nay các địa phương trong cả nước đã bình chọn và công nhận hàng năm hàng triệu nông dân sản xuất giỏi. Đây là các nông dân nắm vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có uy tín trong nông dân ở thôn, xã, bản, làng. Họ là lực lượng quan trọng nhất, hiệu quả nhất để đứng ra thành lập các HTX kiểu mới. Họ cần được tập huấn, động viên và hỗ trợ để là lực lượng đi đầu thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam