Bảo hiểm xã hội: Nan giải nợ xấu

Lê Minh Long 07/02/2023 08:03

Lương hưu là nguồn thu nhập quan trọng đối với người già, giúp giảm gánh nặng chi phí gia đình, gián tiếp giảm gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên tình trạng doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội gia tăng đã đẩy hàng trăm nghìn người lao động đứng trước nguy cơ về già không có thu nhập.

Xử lý nợ xấu trong bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗi lo trắng tay vì bị nợ bảo hiểm xã hội

Tháng 6/2022, ông Nguyễn Văn Hòa (Hoài Đức, Hà Nội) đủ tuổi nghỉ hưu thế nhưng ông không có được niềm vui tuổi già vì nỗi lo “treo sổ” bảo hiểm xã hội (BHXH). Từ năm 2020 khi xảy ra đại dịch Covid -19, doanh nghiệp (DN) nơi ông làm việc bắt đầu làm ăn sa sút, không có đơn hàng nên người lao động phải nghỉ luân phiên, nợ lương, nợ tiền BHXH của người lao động. Sau 3 tháng về hưu, ông Hòa vẫn không nhận được một đồng lương hưu nào. Gánh nặng chi phí sinh hoạt buộc ông phải tìm cách kiếm việc mưu sinh. Ông Hòa đã quyết định mở điểm rửa xe tại nhà. Song theo lời khuyên của bạn bè, lương hưu là khoản rất quan trọng để có thể giúp trang trải được phần nào gánh nặng mưu sinh. Chính vì vậy, ông Hòa quyết định bỏ tiền túi đóng BHXH nốt số tháng còn thiếu để có sổ hưu.

“Cũng may công ty chỉ còn nợ từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 nên số tiền đóng bù không quá lớn. Nhiều người khuyên tôi làm đơn kiện nhưng cả đời gắn bó với công ty, lúc công ty khó khăn mình sao nỡ kiện”- ông Hòa tâm sự.

Cũng ở tình thế tương tự, ông Nguyễn Văn Bình (61 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ông đã làm việc hơn 20 năm thế nhưng khi về hưu ông không có sổ hưu vì năm 2021 công ty bị phá sản, nợ lương nhân viên. Không có sổ hưu đồng nghĩa với việc không có thu nhập, để có tiền trang trải cho tuổi già, ông buộc phải xin làm bảo vệ để mưu sinh. “Tuổi cao, sức khỏe lại yếu nên đi xin việc rất khó, vì thế tôi chấp nhận làm bảo vệ cho công ty tư nhân 24/7. Ngày lễ, tết cũng chỉ được giao ca về nhà một chốc lát rồi lại đi làm. Không biết đến bao giờ tôi mới có được sổ hưu, công ty phá sản rồi nên phải chịu trắng tay” - ông Bình than thở.

Gánh nặng về hưu không có lương hưu vì DN nợ tiền BHXH đang là nỗi lo của không ít người lao động. Đặc biệt là sau đai dịch Covid-19 tình trạng nợ tiền BHXH của người lao động càng gia tăng. Đáng chú ý, sau làn sóng mất việc làm trên diện rộng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn đưa ra khuyến cáo, nguy cơ xảy ra tình trạng chủ DN bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của người lao động rất lớn. Thậm chí DN lợi dụng tình hình để đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi công ty để tuyển dụng lao động trẻ sẽ gia tăng.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, hiện có hơn 200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu.

Theo ông Khang, tình trạng DN trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền BHXH vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu (theo BHXH Việt Nam); tình trạng chủ DN "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, BHXH của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Nhiều người cao tuổi khi đã nghỉ hưu vẫn nơm nớp lo gánh nặng mưu sinh, Ảnh: Mẫn Nhi.

Giải pháp nào trị dứt điểm nợ bảo hiểm xã hội?

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại những DN phá sản, giải thể, bỏ trốn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, có giải pháp xử lý cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, việc xử lý nợ BHXH đối với các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, đến nay vẫn chưa thể “trị” được dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý. Các cơ quan chức năng không thể thu hồi nợ là do các DN không còn ở địa điểm đăng ký; không có khả năng tài chính để trả nợ; việc xử lý đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.

Theo quy định của pháp luật về BHXH, việc giải quyết các chế độ BHXH phải căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH (bao gồm mức đóng và thời gian đóng). Ðiều này đồng nghĩa với việc chỉ những ai thực hiện đóng góp vào quỹ theo luật định mới thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, không chỉ không đóng các khoản bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình cho người lao động theo quy định, mà các DN còn không nộp phần kinh phí mà người lao động đã đóng cho cơ quan BHXH (khoản tiền này các DN đã trừ hàng tháng từ tiền lương của người lao động). Chính vì vậy, khi doanh nghiệp "mất tích", phá sản, giải thể hay chủ DN đã bỏ trốn… người lao động sẽ bị rơi vào cảnh "quýt làm, cam chịu". Ðó là thực trạng kéo dài nhiều năm nay.

Thống kê của ngành BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018-2022, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi song đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi DN trốn đóng, chậm đóng BHXH, người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả chế độ trước đó người lao động đáng được hưởng đều bằng 0.

“Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề an sinh xã hội thế nào khi người lao động về già? Không hề đơn giản. Kể cả trước mắt hay lâu dài, trước mắt thì họ không được hưởng các quyền lợi chính đáng từ quỹ BHXH, lâu dài sẽ là một câu chuyện an sinh xã hội lớn. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này” - ông Quảng trăn trở.

Cũng theo ông Quảng, đã có quy định trong Bộ luật Hình sự về vấn đề trốn đóng, chậm đóng BHXH theo Điều 214, 215, 216. Đây là chế tài rất mạnh, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn điều này cho thấy cơ chế pháp luật cần phải tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh đó, quy định giao quyền cho tổ chức công đoàn được khởi kiện DN nợ BHXH cũng không dễ thực hiện vì vướng các thủ tục…Điều này cho thấy, rất cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài mới đủ sức răn đe.

Giới chuyên gia trong ngành cũng nhận định, việc xử lý vấn đề nợ xấu BHXH không hề đơn giản. Mặc dù vậy, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động vẫn là yêu cầu quan trọng nhất. Ðiều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm những giải pháp khả thi, phù hợp nhất để sớm trình cấp có thẩm quyền quyết định. Để người cao tuổi khi về hưu được an tâm nhận được những gì họ đáng được hưởng.

Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 sẽ thanh tra toàn bộ các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng BHXH và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% đơn vị, DN có hành vi vi phạm. Theo đó, về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực BHXH, năm 2023, tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật BHXH, BHYT tại cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra toàn bộ đơn vị, DN nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với đơn vị, DN có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội: Nan giải nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO