Bạo lực trẻ em vẫn gia tăng

Lan Hương 25/10/2023 07:12

Dù nỗ lực ngăn chặn nhưng những hành vi xâm hại, bạo hành trẻ vẫn xảy ra. Trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến và đã tư vấn cho 15.991 trường hợp; hỗ trợ can thiệp, bảo vệ cho 845 trẻ em.

Nhân viên Tổng đài 111 trực 24/7 để tư vấn cho người dân về bảo vệ trẻ em.

Thông tin về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong 9 tháng năm 2023, công tác này được bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em về Tổng đài 111. Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến, 950 lượt tiếp nhận qua App và Zalo, trong đó có 15.991 cuộc gọi tư vấn và 845 ca can thiệp hỗ trợ. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tiếp nhận và tư vấn 1.248 cuộc gọi, chuyển tuyến 44 ca để hỗ trợ cho 49 nạn nhân của mua bán người.

Hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ bé gái V.A. 8 tuổi ở TPHCM bị mẹ kế và cha ruột bạo hành man rợ dẫn đến tử vong; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị cha dượng tra tấn bằng cách cho uống thuốc diệt cỏ, đánh gãy tay, bắt nuốt dị vật và đỉnh điểm là ghim gần chục chiếc đinh vào đầu khiến bé không thể qua khỏi… Đây chỉ là một trong số vụ bị phát hiện và lên án tuy nhiên đằng sau số trẻ bị xâm hại, bạo lực còn lớn hơn rất nhiều.

Đề cập đến thực trạng này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, dù đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn ẩn khuất đằng sau mỗi cánh của trong mỗi gia đình vì thế công tác bảo vệ trẻ em gặp rất nhiều khó khăn.

Thống kê từ Cục Trẻ em cho biết, chỉ trong 3 năm (2020-2022), cả nước đã phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó, trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021) và 6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.

“Cục Trẻ em đã trực chiến suốt ngày đêm để có thể vào cuộc giải quyết ngay lập tức những vụ việc xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, số vụ việc vẫn không ngừng tăng lên qua các năm. Theo thống kê từ địa phương và số liệu báo cáo từ các cấp của ngành Công an, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tăng cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân bị xâm hại, đặc biệt nhóm vụ việc về các hành vi giao cấu với trẻ (từ 13 đến dưới 16 tuổi) và hiếp dâm trẻ em. Bạo lực trẻ em trong gia đình rất đáng quan ngại, chiếm tới hơn 77% số vụ bạo lực nói chung. Đặc biệt, xuất hiện xu hướng mới là trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng và thông qua môi trường mạng” - ông Nam nói đồng thời nêu quan điểm, để bảo vệ trẻ em trước những cạm bẫy của bạo hành, xâm hại, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quy chế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an về phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thu thập thông tin về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em.

“Tuy nhiên trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trẻ là không thể thay thế. Cha mẹ thiếu kiến thức về bảo vệ và chăm sóc trẻ nên hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em đã xảy ra ngay trong chính gia đình, từ người thân, cha mẹ hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ” – ông Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Lương Thị Thuận - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM cũng cho rằng, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội. “Trong tình hình diễn biến xã hội hiện nay, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em càng cần chú trọng hơn, nhất là ở các thành phố, là nơi tập trung đông trẻ em, đặc biệt là trẻ nhập cư có hoàn cảnh khó khăn dễ có nguy cơ bị đe dọa, xâm hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, đạo đức… Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt” - bà Thuận nhấn mạnh.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, trong 2 năm 2021-2022, toàn quốc phát hiện hơn 3.500 vụ, với trên 4.000 đối tượng xâm hại trẻ em. Trong đó, có 75% số vụ xâm hại tình dục trẻ em; xảy ra 8.200 vụ vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự liên quan đến người dưới 18 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực trẻ em vẫn gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO