Vấn đề đặt ra là việc bảo mật thông tin của người nộp thuế tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề khi việc bán thông tin diễn ra tràn lan. Liệu rồi sẽ có hay không chuyện đá bóng trách nhiệm lẫn nhau khi thông tin bị lộ ra?
Từ ngày 5/12 Nghị định 126 (NĐ126) của Chính phủ có hiệu lực. Theo đó từ đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Riêng thông tin giao dịch, số dư tài khoản, số liệu giao dịch của người nộp thuế (NNT) sẽ chỉ được ngân hàng cung cấp khi có đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, để phục vụ cho mục đích thanh, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế, cưỡng chế thu thuế theo quy định.
Tuy nhiên có vấn đề đặt ra là việc bảo mật thông tin của NNT tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề khi việc bán thông tin diễn ra tràn lan. Liệu rồi sẽ có hay không chuyện đá bóng trách nhiệm lẫn nhau khi thông tin bị lộ ra? Chưa kể nhiều quan điểm còn nói rằng, khi quản chặt các giao dịch thanh toán qua ngân hàng thì các cá nhân lại tiến tới thanh toán bằng tiền mặt. Chẳng hạn như dịch vụ mua nhà đất, toàn giao dịch tiền mặt, để tránh bị đóng thuế cao. Do vậy, nếu như cơ quan thuế không tính đến các phương án lách, bảo mật thông tin thì thuế thương mại điện tử vẫn bị thất thu.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế và các NHTM vẫn đang phối hợp cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định 126 còn quy định ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
“Quy định này được thực hiện sẽ là công cụ để giúp cơ quan thuế quản lý chặt chẽ, thu thuế, tránh trốn thuế của các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” - ông Huy nói.
Trong quãng thời gian 8 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế xác định có 5.000 tỷ đồng doanh thu từ các hoạt động TMĐT xuyên biên giới, chủ yếu qua 3 nhóm: Bán hàng qua mạng xã hội; Thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua Facebook, YouTube...; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).
Qua rà soát, tại TP HCM có 15.528 tổ chức, cá nhân kinh doanh bán hàng trên mạng. Tại Hà Nội, từ năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng, đến thời điểm hiện tại, có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. Theo dữ liệu của các NHTM, số lượng tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng ở Hà Nội là 18.304 tổ chức, cá nhân với tổng số thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube hơn 1.462 tỷ đồng.
Hiện nay vấn đề thu thuế đối với hoạt động TMĐT rất khó khăn. Đại diện Cục Thuế Hà Nội từng chia sẻ, những năm gần đây, ngày càng có nhiều cá nhân với trí tuệ, năng lực sáng tạo kiếm được thu nhập từ Youtube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như Playstore, Appstore. Điều đó cho thấy tài năng của các cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT, nhưng họ cũng cần thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo các quy định của pháp luật để tránh bị xử phạt.