Chưa tốt nghiệp THPT, học sinh đã được không ít trường đại học gửi thông báo trúng tuyển. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc làm này có vi phạm quy chế tuyển sinh hay không? Ai là người bán dữ liệu tuyển sinh, làm thế nào để siết chất lượng nguồn tuyển của các trường? đang là những câu hỏi được đặt ra.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện tượng cạnh tranh để thu hút thí sinh không phải năm nay mới xuất hiện. Đây là việc làm vi phạm đến bí mật thông tin cá nhân của người học. Việc các trường giành giật gọi điện, tư vấn, mời nhập học đã khiến cho bức tranh tuyển sinh có những gam màu chưa đẹp.
Theo khoản 1 Điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 quy định về việc Thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học quy định “Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học”. Đồng thời trong các hội nghị, tập huấn về tuyển sinh, Bộ GDĐT luôn nhắc các trường không công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT.
Trước những băn khoăn của người học những ngày qua, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) chia sẻ, về nguyên tắc, các trường ĐH khi ra thông báo như trên là không vi phạm quy chế. Thực tế là đối tượng tham gia xét tuyển ĐH không chỉ có học sinh phổ thông mà còn có cả thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT) là những người đã đủ điều kiện trúng tuyển và nhập học theo quy định. Thông báo của trường dành chung cho tất cả các đối tượng tham gia xét tuyển. Nhưng thông báo như vậy đang gây hiểu lầm cho thí sinh, xã hội. Bộ GDĐT sẽ nhắc nhở các trường điều chỉnh, không để tiếp diễn tình trạng này. Bộ GDĐT cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường ĐH, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo quy định.
Nhận định về việc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã nhận giấy báo trúng tuyển, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng đây là cách để các trường “giữ chân” thí sinh trong cuộc đua tuyển sinh.
Ở câu chuyện này điều đáng nói hơn cả là việc mua bán dữ liệu tuyển sinh - một hiện tượng không mới, nhưng chưa được quan tâm và chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Điều này khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại trước tình trạng thông tin, dữ liệu của thí sinh bị lộ ra ngoài gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và gây tâm lý hoang mang cho các thí sinh trước ngưỡng cửa chọn nghề, lập nghiệp.
Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, từ khi chuyển sang thi THPT quốc gia với hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ thì việc mua bán dữ liệu (thông tin họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại...) của thí sinh giống như đi chợ. Đáp ứng nhu cầu của các trường, dữ liệu được bán ra đầy đủ từ đăng ký thi THPT quốc gia đến xét tốt nghiệp, xét vào các trường ĐH, CĐ…
Ở khối trường công, việc mua bán dữ liệu thí sinh cũng có nhưng không quyết liệt như các trường tư. Hiện có nhiều cách để lấy thông tin của thí sinh, từ phiếu khảo sát tư vấn tuyển sinh, từ mạng xã hội, từ bộ phận quản lý thông tin tuyển sinh của các Sở GDĐT địa phương.
Theo quy chế tuyển sinh, việc quản lý và sử dụng dữ liệu thi THPT quốc gia đã được phân cấp, phân quyền chặt chẽ theo phạm vi sử dụng, mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng. Sở GDĐT là một đơn vị quản lý và sử dụng dữ liệu thi THPT quốc gia, mỗi sở được cấp tài khoản để sử dụng Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia và chỉ quản lý, sử dụng dữ liệu thi THPT quốc gia của các thí sinh đăng ký dự thi của sở. Sở GDĐT chịu trách nhiệm toàn bộ về tính chính xác, bảo mật dữ liệu thi THPT quốc gia của địa phương mình.
Mỗi trường ĐH,CĐ có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh cũng được cấp tài khoản để sử dụng Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia, trường cũng chỉ được truy cập vào hệ thống sau khi kết quả thi đã được công bố để sử dụng dữ liệu của các thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường mình và không thể sử dụng dữ liệu của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khác.
Như vậy, việc cung cấp dữ liệu thi THPT quốc gia là miễn phí. Nhưng rõ ràng những thông tin ấy lẽ ra phải được cung cấp đúng đối tượng và đúng mục đích sử dụng. Việc lợi dụng dữ liệu này không đúng mục đích là vi phạm và cần bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Luật Giáo dục ĐH tạo cơ hội tự chủ cho các trường, nhưng đi kèm với đó là yêu cầu chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và giải trình. Tự chủ ĐH không phải là là vơ vét nguồn tuyển bằng bất kỳ giá nào, kể cả xâm phạm thông tin cá nhân của người học. Ngược lại, những thông tin ấy cần phải được bảo mật để tôn trọng người học và sự lựa chọn phù hợp với khả năng của họ.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, tôn trọng quyền tự chủ là cần thiết nhưng không có nghĩa tự chủ muốn làm gì thì làm. Do đó, Bộ GDĐT cần tăng cường thanh, kiểm tra công tác tuyển sinh và xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm.