Khởi động việc đổi mới nội dung và hình thức trưng bày từ năm 2013, đến nay tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia 14 bảo vật quốc gia đã được số hóa và ứng dụng công nghệ 3D vào lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật.
Vừa có trang web riêng, vừa sáng tạo trong cách trưng bày nên
Bảo tàng Dân tộc học luôn hấp dẫn du khách.
Ảnh T.L.
Giúp bảo quản hiện vật gốc tốt hơn
Theo bà Đào Lê Quế Hương - Phó trưởng phòng Quản lý hiện vật (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), việc số hóa tài liệu hiện vật nói chung, số hóa 3D đối với 14 bảo vật quốc gia là một công cụ hữu hiệu giúp các bảo tàng quản lý các bảo vật một cách rất linh hoạt thuận tiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản quốc gia. Riêng đối với việc bảo quản hiện vật thì các hiện vật gốc sẽ được bảo tồn tốt hơn vì sau khi số hóa, người ta ít phải tác động trực tiếp đến chúng khi cần kiểm kê, nghiên cứu...
Đặc biệt, số hóa hiện vật giúp cho việc xây dựng được những nội dung trưng bày hiện đại, tạo sự tương tác với khách tham quan, giúp người xem có thể tham gia vào các hoạt động bảo tàng làm cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn, sống động hơn. Công nghệ số hóa cho phép chúng ta trưng bày hiện vật dạng số hóa (bảo tàng ảo) một cách rộng rãi cho đông đảo công chúng, ở mọi thời gian, địa điểm khác nhau.
Tuy nhiên, theo bà Hương, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục số hóa những nhóm hiện vật tiêu biểu khác trong bảo tàng. Được biết, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 688/QĐ-TT phê duyệt Đề cương tổng quát nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nêu rõ: “Để quản lý và khai thác tài liệu, hiện vật một cách hiệu quả phục vụ công tác trưng bày và các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, công tác tư liệu hoá, số hoá phải sớm được tiến hành”.
Dẫu vậy, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại không phải là đơn vị đầu tiên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng. Cách đây hơn 10 năm, vào tháng 1/2005, website Bảo tàng Dân tộc học ra mắt thu hút lượng khá nhiều người truy cập. Website được phát triển với 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp.
Khách tham quan trên mạng có thể tiếp cận những hiện vật được giới thiệu tại các khu trưng bày của Bảo tàng. Họ có thể tham quan theo chu trình đặt trước hoặc tùy biến việc du lịch, khám phá bằng cách nhấp chuột lên sơ đồ trưng bày. Và cũng trong năm đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khai trương bảo tàng “ảo” tại địa chỉ http://www.tryscience.org, tải khối lượng tri thức khổng lồ bằng hình ảnh, âm thanh từ nhiều bảo tàng danh tiếng trên thế giới.
Bỏ lỡ cơ hội làm bảo tàng ảo
Lâu nay, trưng bày ở các bảo tàng trong nước đa phần phục vụ các sự kiện. Có những trưng bày chuyên đề kéo dài trong vòng 1 tuần, một tháng, hoặc tới vài ba tháng. Điều nhìn thấy rõ nhất là khách tham quan chỉ đến đông khi dự lễ khai trương trưng bày, thời gian còn lại những trưng bày chuyên đề luôn trong cảnh đìu hiu.
Vậy mà về hiệu quả trưng bày, hầu hết các bảo tàng đánh giá sự thành công của mình chủ yếu dựa trên các báo cáo số lượng khách tham quan, số lượng các cuộc trưng bày được thực hiện hay doanh thu tính trên đầu vé thăm quan. Trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin cho bảo tàng- dù được đầu tư nhiều vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Gắn bó với hoạt động bảo tàng lâu năm, Th.s Ngô Thế Bách chia sẻ: nếu ai đã từng một lần đến châu Âu hay Hoa Kỳ, ấn tượng về các trưng bày đa truyền thông tương tác thực sự tuyệt vời.
Đơn cử như ở Bảo tàng Văn hóa Thế giới - Thụy Điển, người ta sử dụng nhiều các hình ảnh động như video, hay các thước phim được trình chiếu trên màn hình; các bản chú thích được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Đức; các màn hình cảm ứng giúp cung cấp thêm thông tin về hiện vật và các bộ sưu tập được xem là một trong những phương tiện truyền thông tương tác phổ biến nhất, giúp hỗ trợ công tác giới thiệu hiện vật và trưng bày tại bảo tàng.
Các bảo tàng trên thế giới cũng đang triển khai việc lưu trữ các hình ảnh kỹ thuật số và hồ sơ hiện vật trên hệ thống máy tính, có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và tìm hiểu thông tin về hiện vật của khách thăm quan ở cả trong và ngoài nước thông qua trang web của bảo tàng mình. Không cần phải đến tận Paris để tới thăm Bảo tàng Louvre, hay tới New York để ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại - một trong số những bảo tàng nổi tiếng nhất trên thế giới, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và các hiện vật có một không hai trên thế giới thông qua mạng internet tại ngôi nhà của mình.
Cũng theo Th.S Ngô Thế Bách, từ khi mạng internet chính thức được kết nối năm 1997 cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ mới ở bảo tàng trong nước chưa được sự quan tâm và đầu tư thích đáng.
Một kết quả điều tra về thực trạng sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực di sản gần đây cho thấy: có tới 78% các đơn vị sử dụng máy tính chỉ để cho mục đích đánh văn bản; 3% các đơn vị sử dụng các ứng dụng phần mềm máy tính trong việc quản lý hiện vật, sưu tập hiện vật, khách tham quan, lưu trữ thông tin và tài chính. Và có không nhiều trong số hơn 120 bảo tàng ở Việt Nam có trang web riêng. Những bảo tàng không có trang web riêng cũng giống như việc bỏ lỡ những cơ hội quảng bá hình ảnh tới khách tham quan.
Trong khi rất nhiều bảo tàng trên thế giới đang nắm lấy những cơ hội mà công nghệ mới mang lại thì đa số các bảo tàng Việt Nam vẫn đi theo lối trưng bày cũ và sử dụng các phương tiện giới thiệu hiện vật truyền thống như nhãn chú thích, mô hình, thuyết minh, phụ lục ảnh, tờ rơi…mà không hề sử dụng bất kỳ một phương tiện ứng dụng công nghệ mới nào. Hiện chỉ có một số ít bảo tàng có sử dụng công nghệ mới như hệ thống màn hình cảm ứng, màn hình vô tuyến hiện đại để cung cấp những hình ảnh sống động (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam).
Tư liệu hóa di sản văn hóa vật thể (số hóa tư liệu bảo tàng) và phi vật thể từ lâu đã trở thành xu hướng của nhiều quốc gia. Do đó, để phù hợp với xu thế thời đại, đã đến lúc các bảo tàng Việt Nam cũng phải chuyển hướng trọng tâm hoạt động của mình, từ việc xây dựng các sưu tập sang các loại hình hoạt động thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Thành công ở mô hình hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học nhiều năm liền, tư vấn cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật đổi mới trong cách thu hút khách tham quan; và mới đây lại thành công trong việc xây dựng bảo tàng tư nhân về GS Nguyễn Văn Huyên ở ngay tại quê hương, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: Chỉ có cách phải đổi mới trưng bày, tận dụng ngay tiềm năng và văn minh của công nghệ đã và đang được trang bị, thì bảo tàng mới tồn tại được.