Sáng 17/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Quốc tế Pháp Ngữ (IFI) tổ chức hội thảo Quốc tế “Bảo tồn các di sản văn hóa nhằm mục đích phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam và châu Á Thái Bình Dương”.
Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo dành cho đối tượng là các học giả, các nhà nghiên cứu, cán bộ di sản, cán bộ quản lý địa phương và mọi đối tượng quan tâm. Buổi hội thảo xoay quanh các nội dung chính liên quan tới việc thúc đẩy bảo tồn di sản văn hóa trước các tác động biến đổi kinh tế - xã hội; hướng tới sự phát triển bền vững.
TS Nguyễn Hồng Quang (Viện Quốc tế Pháp ngữ) trình bày ý tưởng số hóa các di tích, di sản văn hóa bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể để lưu giữ hình ảnh cho du khách, cho nhà nghiên cứu sau này khi tiến hành phục dựng, trùng tu di sản. Một điển hình trong việc TS Quang và cộng sự tiến hành thành công là số hóa di sản Nhà hát Lớn Hà Nội. Với tác động của môi trường tự nhiên, và cả sự hủy hoại do con người, việc số hóa các di sản đặc biệt cần được tiến hành sớm.
GS Yann Rival (ĐH Polynésie, Pháp) trình bày tham luận “Di sản văn hóa và phát triển bền vững là con đường để đổi mới du lịch Polynésie”. Theo đó, với sự sụt giảm của số lượng du khách mỗi năm, du lịch vùng biển này cần có một đầu mối để thống nhất quản lý. Đồng quan điểm này, NCS Hoàng Thị Vân Anh (ĐH Polynésie, Pháp) trình bày khảo sát của mình về khu du lịch Tràng An (Ninh Bình, Việt Nam), trong đó nêu vấn đề gần đây, việc xâm hại di sản ở Tràng An cho thấy công tác quản lý có nhiều bất cập. Việc cấp phép khai thác du lịch do một đơn vị quản lý, việc xây dựng lại do một đơn vị khác quản lý. Vậy tại sao lại không có một cơ quan làm đầu mối xử lý toàn bộ việc bảo tồn, đánh giá tác động môi trường, khai thác du lịch. Những cơ quan quản lý mới chỉ ở hành chính còn chưa phát huy được chức năng. Việc quản lý giữa các địa phương cũng chưa đồng nhất…
PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận “Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam” cho rằng: Điều 43 của Hiến pháp đã quy định rõ: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Vì vậy, cần có thêm những chế tài để xử lý các hành vi vi phạm môi trường, trong đó có hủy hoại môi trường di sản…