Giờ đây cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Vai trò của cộng đồng đã được nhìn nhận và đang trở thành chiến lược quan trọng toàn cầu. Có thể nhìn rõ những nỗ lực ấy trong việc gìn giữ di sản văn hóa Huế.
Những thành công trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế có sự góp sức rất lớn từ cộng đồng.
Di sản ở trong dân
Di sản Huế có những đặc thù riêng biệt về nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là tính chất cung đình, quý tộc và tinh tế ở cả di sản vật thể và phi vật thể.
Ngoài ra, tính đặc thù còn thể hiện ở phạm vi, quy mô, sự phân bố và sự gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên. Với tính chất cung đình, và quy mô lớn nên việc quản lý các tài sản này mang tính “nhà nước” rất cao.
Từ thời xưa, các công trình kiến trúc hay loại hình văn hóa trình diễn của triều Nguyễn có khoảng cách lớn với cộng đồng nhân dân.
Kể từ sau năm 1945 và từ 1975 đến nay, do điều kiện khách quan và lịch sử, các di sản văn hóa cung đình Huế đều do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các di sản ấy vẫn liên quan, gắn liền với cộng đồng địa phương. Có một số lượng lớn dân cư sống trực tiếp trong vùng lõi, vùng đệm của các di sản kiến trúc (khoảng 170.000 người) nên việc bảo tồn, phát huy di sản ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân.
Việc bảo tồn phát huy di sản phải huy động sự tham gia của người dân: huy động nhân lực, thợ thủ công, thợ nề… Đặc biệt là lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc, tuồng…) rất nhiều người nắm giữ di sản đang sống trong cộng đồng.
Việc khai thác phát huy giá trị di sản đem lại lợi ích kinh tế xã hội sẽ gắn bó chặt chẽ hơn với quyền lợi cộng đồng (người dân được hưởng lợi khi khai thác dịch vụ), và ý thức về “di sản của mình” sẽ được nâng cao.
Nhằm khuyến khích sự tham gia ngày một mạnh mẽ và tích cực của cộng đồng, Thừa Thiên- Huế đang thực hiện một số định hướng, kế hoạch trong giai đoạn 2016 – 2020: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đối với giá trị di sản văn hóa nhằm giúp cộng đồng có ứng xử tích cực, phù hợp với di sản; Xây dựng danh mục ưu tiên các dự án tu bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích có thể kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ở trong và ngoài nước…
Trong thời gian tới, những dự án bảo tồn cũng hướng theo tiêu chí để phát huy thực hiện hiệu quả chức năng nguyên thủy cũng như tái thích nghi sử dụng công trình như việc việc tu bổ, phục hồi đàn Đàn Nam Giao - Trai Cung sẽ là nơi tái dựng một phần lễ tế Nam Giao - một điểm nhấn của Festival Huế và trưng bày những hình ảnh và hiện vật liên quan đến sinh hoạt lễ nghi cung đình triều Nguyễn; Dự án bảo tồn phục dựng nhà rường Huế nhằm nghiên cứu tìm hiểu công nghệ cổ truyền dựng nhà truyền thống và biến các nhà rường được phục dựng thành bảo tàng dân gian khu vực Huế.
Vẫn còn những băn khoăn
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, sự tham gia của cộng đồng trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Huế vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao như mong muốn, chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc bảo tồn.
Cộng đồng đang sinh sống trong khu vực vùng lõi và khu vực đệm ở một số điểm di tích vẫn chưa hợp tác tốt với đơn vị quản lý di sản, tuân thủ các hướng dẫn nhằm bảo tồn di tích và cảnh quan môi trường xung quanh.
Cũng có khi, một số cá nhân đưa ra những ý kiến trái chiều, hiểu nhầm về hoạt động của đơn vị quản lý di sản, gây dư luận không tốt về công tác bảo tồn và phát huy giá trị sản Huế hiện nay.
Nguyên nhân chính cũng dễ nhận thấy là bảo tồn di sản văn hóa, nhất là công tác tu bổ và phát huy giá trị di tích, là một lĩnh vực khá nhạy cảm đối với các nhà đầu tư, bởi cần tuân thủ Luật Di sản văn hóa, cần phải có ý kiến góp ý của các chuyên gia bảo tồn và được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, và cũng phải chịu áp lực lớn từ dư luận.
Do vậy, hầu như các nguồn đầu tư cho lĩnh vực này hiện đều là của Nhà nước.
Một nguyên nhân khác, tuy địa phương đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và nhà tài trợ, có cả hình thức tôn vinh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan, nhưng chúng ta vẫn chưa có chính sách và cơ chế cụ thể, có tính thu hút cao, để kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Để khắc phục được những hạn chế này, cần quán triệt quan điểm cơ bản: tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng và cùng có lợi.
Vì dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào, gắn kết với nhau bằng yếu tố nào, cộng đồng cũng cần phát huy vai trò của mình vì mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, để công tác bảo vệ di sản hóa vật thể và phi vật thể thành sự nghiệp xuất phát từ cộng đồng và trở lại phục vụ cộng đồng.
Vai trò của cộng đồng cần được đề cao không chỉ đối với việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị du tích, di sản được UNESCO công nhận mà còn đối với các loại hình di sản văn hóa khác như lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực…
Chỉ dựa vào sức mạnh của cộng đồng, mới có thể bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa một cách hiệu quả trong điều kiện hiện nay.