Hà Nội không chỉ là nơi ở mà còn là nơi lưu giữ kỉ niệm của rất nhiều người, nơi cất giữ kí ức của một thời phồn hoa.Tất cả đều là những hiện vật lưu giữ kí ức, phản ánh sống động lịch sử phát triển qua từng thời kì của Hà Nội. Tiếc rằng, tất cả những di sản văn hóa này đang đứng trước nguy cơ dần biến mất bởi lối sống tiêu dùng và chủ nghĩa thực dụng. Vậy bảo tồn di sản văn hóa trong lòng Hà Nội - cách nào?
Du khách thăm quan Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: T.L).
Nằm trong khuôn khổ Đại hội sách cũ Hà Nội lần thứ 5, cuộc tọa đàm “Bảo tồn di sản văn hóa trong lòng Hà Nội” vừa được tổ chức cuối tuần qua. Với những chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, câu hỏi “Di sản văn hóa trong đó có di sản kiến trúc của Hà Nội có gì?” dường như đã có lời giải đáp.
Đình làng biến dạng
Hiện nay, trong quá trình đô thị ồ ạt, cộng với hệ quả từ những bất cập trong quản lý, việc duy trì và gìn giữ không gian kiến trúc cũng như chức năng gốc của những ngôi đình gặp không ít khó khăn. Một vấn đề lớn mà các công trình truyền thống, trong đó có những ngôi đình, đang phải đối mặt là sức ép về mặt dân số, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu mở rộng kinh doanh của cư dân phố cổ.
Trong quá trình thực hiện dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã chụp bộ ảnh ghi lại hiện trạng mặt tiền các ngôi đình trong khu phố cổ. Quá trình đó diễn ra trong một thời gian dài và giúp họa sĩ hiểu thêm nhiều điều về câu chuyện của những ngôi đình và lịch sử của thành phố. “Tôi đã chụp được hiện trạng của hơn 60 ngôi đình trong phố cổ, trừ một số ít ngôi đình thực sự vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa kia, phần lớn các ngôi đình còn lại đã bị biến đổi hình thù và công năng. Có ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng hai, có ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, hoặc có ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Sự biến hình của những ngôi đình trong phố cổ, có lẽ nếu không thực hiện dự án nghệ thuật này, tôi cũng khó mà hình dung ra được muôn vàn hình trạng của nó”, họa sĩ chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 20 ngôi đình có thể nhận ra bằng mắt thường với những dấu hiệu về kiến trúc cổ đặc trưng, còn phần lớn đã thay hình đổi dạng thành những ngôi nhà tư, thành trụ sở này hay cơ quan nọ… khó mà tưởng tượng ra hình dáng thuở ban đầu của chúng nữa. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về chỗ ở sinh hoạt buôn bán ngày càng gia tăng, không gian của đình – những ngôi nhà chung - bỗng trở thành những vị trí đắc địa, béo bở, nhất là khi nền kinh tế đô thị của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi mô hình “kinh tế vỉa hè, mặt phố”, “mặt tiền thành tiền mặt”… Những hậu quả từ chính sách di dân và phân phối nhà cửa thời bao cấp, cộng với giá trị kim tiền gia tăng chóng mặt thời hậu Đổi mới đã trở thành những cơn sóng dữ, liên tiếp tấn công, xâm thực nốt những di sản còn sót lại của một thời.
Rất nhiều lần trong quá trình tiến hành dự án, tôi cảm thấy chán nản và vô vọng khi những mảnh vỡ từ quá khứ ngày càng trở nên mờ nhạt trước sự xâm chiếm hết sức mạnh mẽ và áp đảo của “hiện thực đời sống”. Tôi có cảm giác như mình vừa phải chạy đua với thời gian trước sự tan biến nhanh chóng của những dấu vết cổ còn sót lại, vừa phải “khéo léo” ứng xử để những người dân sinh sống ở các địa chỉ đó không quá “để ý” đến công việc “nghiên cứu” của mình.
Nhiều lần, ở những địa chỉ như đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm), đình Lò Rèn (phố Lò Rèn), đình Tú Thị (phố Yên Thái)…, “quần chúng nhân dân” tỏ ra hết sức dò xét khi tôi cố gắng tiếp cận thông tin với chiếc máy ảnh trên tay. “Đi đi, đóng cửa rồi!”, “Chụp ảnh làm gì thế?”, “Có việc gì, mùng Một hay Rằm hẵng quay lại” là những câu tôi thường được nghe từ những người dân sinh sống bán hàng trước cửa và trong đình. “Thực tế, ở nhiều ngôi đình thờ tổ nghề còn sót lại, các hộ dân hiện diện và bành trướng khắp nơi, rất khó để tìm một lối đi lách vào phía trong đình nếu không có sự hợp tác từ phía họ”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.
Kiến trúc Hà Nội “biến hình” dưới góc nhìn của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Hà Nội “biến hình”...
Vậy di sản văn hóa trong đó có di sản kiến trúc của Hà Nội có gì? Đó là những đình, đền, miếu, mạo thể hiện văn hóa tín ngưỡng của các cộng đồng ngụ cư tại Hà Nội từ bao đời nay. Đó là những ngôi nhà Pháp cổ mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu, lịch lãm, sang trọng không thể nào lẫn vào đâu được.
Ngoài những ngôi biệt thự có không gian riêng, người ta còn thấy phong cách kiến trúc châu Âu hòa vào phong cách kiến trúc bản địa, hình thành nên những dãy phố nhà ống với hệ thống mái, trán nhà, hoa sắt, lan can đậm phong cách Pháp, làm nên những dãy phố cổ làm say đắm lòng người.
Nhắc đến thời kì bao cấp, không thể không nhắc đến những khu nhà chung cư đặc trưng Văn Chương, Giảng Võ, Kim Liên, Nam Đông, Trung Tự… Hà Nội không còn chỉ là nơi ở mà còn là nơi lưu giữ kỉ niệm của rất nhiều người, nơi cất giữ kí ức của một thời phồn hoa.Tất cả đều là những hiện vật lưu giữ kí ức, phản ánh sống động lịch sử phát triển qua từng thời kì của Hà Nội.
Tiếc rằng, tất cả những di sản văn hóa này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi lối sống tiêu dùng và chủ nghĩa thực dụng. Các tập đoàn bất động sản ở Việt Nam phát triển hùng mạnh đi kèm với đó là những công trình khổng lồ, các trung tâm thương mại hiện đại, các nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng mang toàn tiếng Tây, tiếng Tàu.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, để bảo tồn được các kiến trúc trong lòng Hà Nội, hãy thay thế các chức năng vốn có của nó trở thành một dấu ấn văn hóa như bảo tàng, khu triển lãm… hay thậm chí là khu sinh sống, lao động của các nghệ sĩ.
Đơn cử, câu chuyện của ngôi nhà số 65 Nguyễn Thái Học đã từng là nơi sinh hoạt của rất nhiều họa sĩ thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương sau khi bảo tàng Mỹ thuật đã được rời đến một nơi khác. Tuy đã thay đổi khá nhiều về hình dạng, ngôi nhà vẫn là một dấu ấn văn hóa độc đáo còn lưu giữ được giữa thăng trầm của Hà Nội.