Chiều ngày 9/8, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức lễ ra mắt sách ảnh Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích bao gồm các bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền bắc và là ấn phẩm mở đầu cho những nghiên hàng chục năm qua của Viện Bảo tồn Di tích.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền giới thiệu cuốn sách ảnh "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích".
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định, đình làng manh nha từ thế kỉ 15 và đạt đỉnh cao ở cuối thế kỉ 17 với những nét kiến trúc và chạm khắc mang tính biểu tượng cùng hơi thở sinh hoạt dân gian cả về mặt vật thể và phi vật thể.
Đình làng là kiến trúc nổi bật trên mặt đất lớn nhất của làng xã Việt thời cổ xưa, nó không bắt đầu từ một nơi nào ngoài đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đình làng là một sáng tác đặc biệt của nền kiến trúc dân gian Việt Nam trong quá khứ.
Tuy nhiên công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa bùng nổ tiếp theo dẫn tới sự tan vỡ phần xác và phần hồn của ngôi làng Việt xưa cũ. Nó phát triển theo mô hình mở, khấm khá lên và tân tiến lên cùng công cuộc đô thi hóa cấp tập.
Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ ngoại trừ những ngôi đình được liệt vào diện di tích. Hình ảnh ngôi đình mờ trôi vào dĩ vãng, chậm hơn ít nhiều so với hình ảnh những xóm làng từng ôm ấp chúng.
Một trang sách trong cuốn "Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích".
Từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản Tu sửa di tích Trung ương, tiếp theo là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích Trung ương và nay là Viện Bảo tồn di tích trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tiến hành nghiên cứu, điểu tra, ghi chép vẽ ghi và chụp ảnh hiện trạng gần hai trăm ngôi đình làng từ Quảng Nam trở ra.
Các ngôi đình Tây Đằng, Phù Lào. Lồ Hạnh, Thỏ Tang, Thỏ Hà, Yên Phụ... được hồ sơ hóa từ thời ấy, đã trở thành những tư liệu lịch sử. Giả dụ, L. Bezacier không cho vẽ ghi chùa Phật Tích hơn 70 năm trước, chúng ta hẳn không còn cơ sở nào để phục dụng nó.
Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện bảo tồn di tích là những tư liệu lần đầu tiên được công bố có giá trị đặc biệt khi không ít bộ phận kiến trúc và điêu khắc trang trí của các ngôi đình hiện đã mất, chỉ còn trong cuốn sách này.
Anh Nguyễn Đức Bình đại diện nhóm Đình Làng Việt chia sẻ: “Trước đây tôi rất muốn tiếp cận những tài liệu của Viện Vảo tồn di tích nhưng rất khó khăn và hầu như không thể để tiếp cận những tài liệu này, việc ra mắt ấn phẩm là một cách công khai, quảng bá di sản văn hóa truyền thống và mong rằng những tư liệu này sẽ còn được mở rộng hơn, quảng bá nét đẹp truyền thống này đến bạn bè quốc tế”.