Văn hóa

Bảo vệ bản quyền và con số gần 400 tỷ đồng

V. Hà 09/01/2025 10:14

Hiện hầu hết các nhạc sĩ đã ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để đại diện các nhạc sĩ bảo vệ quyền lợi (sở hữu trí tuệ). Có thể nói, tốc độ phát triển của VCPMC thời gian qua vô cùng ấn tượng, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho nhiều nhạc sĩ, với những số tiền thu về rất lớn...

8-9 a3
Năm 2024 ghi nhận thị trường biểu diễn nghệ thuật trong nước khá sôi động. Ảnh: Live show của ca sĩ Mỹ Tâm thu hút rất đông khán giả tới thưởng thức.

Theo công bố của VCPMC, trong năm 2024, Trung tâm đã thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023. Trong đó, thu trên website, ứng dụng nhạc nhiều nhất, đạt trên 305 tỷ đồng; thu từ sao chép demo, sao chép trực tuyến là hơn 16,4 tỷ đồng;... Đặc biệt, VCPMC thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền hơn 256 tỷ đồng.

Đặc biệt, Trung tâm đã khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi kiện ra Tòa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả, điển hình ở lĩnh vực sử dụng quyền biểu diễn, quyền sao chép. Đến nay, bộ phận pháp chế đã thực hiện tổng số 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết. Ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm.

Đó là những thông tin rất đáng mừng, không chỉ cho giới nhạc sĩ. Thời gian qua, trên các nền tảng số, mạng xã hội có rất nhiều vi phạm bản quyền âm nhạc, cụ thể là quyền tác giả và quyền liên quan. Các vi phạm quyền tác giả thường gặp nhất là: kinh doanh tác phẩm khi chưa xin phép tác giả hoặc đại diện được tác giả ủy quyền; không kê khai đầy đủ danh mục nhạc phẩm đã sử dụng; thực hiện, kinh doanh tác phẩm phái sinh khi chưa có sự đồng ý của tác giả, đại diện được tác giả ủy quyền; kinh doanh ngoài phạm vi được cấp phép…

Trong lĩnh vực kỹ thuật số còn tồn đọng nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, thậm chí có một số đơn vị còn phản ứng thiếu tích cực, vi phạm kéo dài, cố ý hiểu lệch lạc về quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm, nhằm lôi kéo các kênh, nhà sáng tạo/sản xuất nội dung vào hệ thống mạng đa kênh (net) của mình; tự ý cam kết bảo đảm bản quyền để vi phạm một cách có hệ thống, lợi dụng cơ chế, công cụ của nền tảng để né tránh trả tiền bản quyền đồng thời thu lợi bất chính.

VCPMC đã phải tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả thành viên, bao gồm cả các biện pháp công nghệ và khởi kiện dân sự.

Nói về con 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng năm 2024, thị trường biểu diễn nghệ thuật trong nước khá sôi động đặc biệt với sự xuất hiện của các show diễn quốc tế, nhưng số tiền bản quyền giảm hơn so với năm 2023 là do còn nhiều đơn vị tổ chức vẫn còn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh thực hiện nghĩa vụ.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sử dụng âm nhạc thực tế và các quy định về mặt quy hoạch quản lý quyền tác giả chưa được triệt để, VCPMC đối mặt với nhiều xung đột quyền phát sinh từ các đơn vị khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và tiến độ công việc của VCPMC mà còn gây xáo trộn, phiền toái, rắc rối cho người sử dụng. Hậu quả lớn hơn là gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tác giả, khi nhiều người do thiếu cẩn trọng đã làm mất đi vĩnh viễn các quyền, lợi ích chính đáng.

“Vì vậy, trong năm 2025, VCPMC sẽ tích cực hơn nữa trong việc rà soát, khảo sát thị trường sử dụng âm nhạc, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho biết, một trong những trăn trở đối với những người nhạc sĩ là làm sao chúng ta sống được bằng nghề, để từ đó toàn tâm toàn cho sự nghiệp sáng tác và xã hội được hưởng lợi từ sự toàn tâm toàn ý đó. Muốn làm được như vậy thì vấn đề bảo vệ quyền tác giả phải được thực hiện. Và VCPMC đã làm rất tốt công việc này thời gian qua.

“Chúng ta đảm bảo được quyền lợi của rất nhiều tác giả, trên cơ sở đó các tác giả có thêm niềm tin không chỉ đối với hoạt động của Trung tâm, mà còn có niềm tin vào sự nghiệp sáng tác của mình" - ông Sơn nhấn mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, bộ phận pháp chế của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện tổng số 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ bản quyền và con số gần 400 tỷ đồng