Văn hóa

Cấp bách bảo vệ bản quyền

Minh Quân 30/08/2024 07:54

Công nghiệp văn hóa đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh và có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội. Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

anhbaitren(1).jpg
Bộ sưu tập “Em Hoa” của nhà thiết kế Công Trí từng bị một số nhà thiết kế, thương hiệu thời trang sao chép. Ảnh: NVCC.

Vấn nạn “xài chùa”

Vi phạm bản quyền tại Việt Nam nói chung và vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Nạn “xài chùa”, sao chép, đánh cắp ý tưởng… diễn ra thường xuyên khiến giới hoạt động nghệ thuật bất bình. Vi phạm bản quyền diễn ra muôn hình vạn trạng và ngày càng có những cách thức tinh vi hơn.

Theo kết quả khảo sát của Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có 43% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hệ lụy của việc vi phạm bản quyền rất lớn, có thể làm giảm giá trị của thị trường nghệ thuật, đánh mất niềm tin của các nghệ sĩ, các nhà sưu tập và công chúng.

Đơn cử như lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, nhiều bộ phim vừa ra rạp vài ngày bản phim lậu đã phát tán tràn ngập trên mạng. Thiệt hại của người làm phim có thể thấy rất rõ ràng bởi thay vì đến rạp thưởng thức các bộ phim đang được công chiếu thì một số người lựa chọn cách ở nhà xem phim lậu miễn phí trên mạng. Nhà làm phim đầu tư biết bao công sức, tiền bạc cho một bộ phim nhưng khi phim phát tán rộng rãi trên các trang “web đen” thì coi như tác phẩm đã bị “cướp trắng”.

Hay như lĩnh vực thiết kế thời trang, đó là vụ việc vi phạm bản quyền đã xảy ra với bộ sưu tập “Em Hoa” của nhà thiết kế Công Trí, bản thiết kế đã bị sao chép và sử dụng trái phép. “Em Hoa” là một bộ sưu tập thời trang cao cấp, lấy cảm hứng từ hoa và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Bộ sưu tập này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ giới chuyên môn trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sau khi bộ sưu tập ra mắt, một số nhà thiết kế và thương hiệu thời trang khác đã sao chép ý tưởng và thiết kế của Công Trí mà không có sự cho phép. Những bản sao chép này thường có chất lượng kém và không thể hiện được hết giá trị nghệ thuật của bản gốc.

Hệ lụy

Có thể nói, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền đang trở thành một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền công nghiệp văn hóa. Ở đó, việc đăng ký bản quyền không chỉ bảo vệ quyền lợi của tác giả, nghệ sĩ mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kinh tế.

Hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền Việt Nam đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đáp ứng việc thực thi các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Một trong những vấn đề lớn nhất là ý thức và hiểu biết của người dân về quyền sở hữu trí tuệ còn thấp. Nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ bản quyền, dẫn đến tình trạng ngang nhiên sao chép và vi phạm bản quyền.

Theo ThS Bùi Ngọc Trình - Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, việc xem nhẹ Luật Sở hữu trí tuệ trong công nghiệp văn hóa có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững và sáng tạo của ngành công nghiệp này.

ThS Bùi Ngọc Trình cho biết, trước hết, không tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ dẫn đến việc sao chép và sử dụng trái phép các sản phẩm, làm suy giảm giá trị kinh tế và tinh thần của người sáng tạo. Khi quyền lợi của các tác giả, nhạc sĩ, nhà làm phim… không được bảo vệ, họ sẽ mất động lực sáng tạo do không nhận được thù lao xứng đáng cho công sức và tài năng của mình. Điều này làm giảm đi số lượng các sản phẩm văn hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam Hoàng Đình Chung cho rằng, để bảo vệ bản quyền đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa hiện nay, những người sáng tạo và chủ doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ ở mọi khâu trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển doanh nghiệp. Không những bảo vệ quyền của mình mà còn phải dũng cảm từ chối sử dụng tài sản trí tuệ của người khác mà không có thỏa thuận chuyển giao. Cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm bản quyền.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh (BHD Vietnam Media Corp) cho biết: Điều đau đáu nhất của tôi và nhiều doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa là chuyện vi phạm bản quyền. BHD từng phát hành phim “Cô Ba Sài Gòn” ở rạp chiếu, một khán giả vào xem, quay lại phim và khiến bộ phim được đầu tư rất lớn này bị rò rỉ ngay sau ngày đầu tiên ra mắt. BHD đã tìm ra người phát tán lậu này và báo Công an. Cuối cùng, khán giả này bị phạt 3 triệu đồng, mức phạt đó là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp bách bảo vệ bản quyền