Bảo vệ động vật hoang dã: Cần những hành động cấp bách

Kim Thanh 01/02/2018 01:01

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (TTGDTN), Việt Nam không chỉ bị xem là một quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia.

Bảo vệ động vật hoang dã: Cần những hành động cấp bách

Thả động vật hoang dã bị bắt giữ về với thiên nhiên.

Cụ thể năm 2017, TTGDTN đã ghi nhận 1,352 trường hợp vi phạm về động vật hoang dã, trong đó 65,2% vi phạm về buôn bán và quảng cáo, 21,1% trường hợp nuôi nhốt trái phép, 12,1% trường hợp buôn lậu, 1,6% trường hợp săn bắt. Số trường hợp ghi nhận qua đường dây nóng do người dân báo về là 829 trường hợp, tăng 29% so với năm 2016. Trong số đó, 399 trường hợp đã được giải quyết, đạt tỉ lệ thành công 48%, tăng 6% so với năm 2016. Các tỉnh vi phạm nhiều nhất như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Đáng chú ý có nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này. Nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD), Việt Nam đã và đang nỗ lực trong cả xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật. Điển hình như năm 2015, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Đến tháng 6 năm 2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 vừa qua.

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn cho đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về buôn bán ĐVHD. Theo đó, các hành vi vi phạm về động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

Tại buổi Tọa đàm “Việt Nam với những nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật về động vật hoang dã” vừa diễn ra mới đây, ông John Baker, Giám đốc Chương trình Cứu trợ hoang dã (WildAid) đánh giá: Chúng tôi vô cùng vui mừng vì Bộ luật Hình sự mới sẽ đảm bảo các loài ĐVHD sẽ được bảo vệ tốt hơn và mong chờ được hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam trong quá trình thực thi bộ luật mới. Những hình phạt tăng nặng chắc chắn sẽ làm nhụt chí những kẻ có ý định kiếm lời phi pháp từ buôn bán ĐVHD.

Có thể khẳng định rằng những thay đổi đáng kể trong chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về ĐVHD có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các nỗ lực bảo vệ ĐVHD của Việt Nam. Chỉ có chế tài hình sự nghiêm khắc mới có thể giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam. Công cụ đã có nhưng để thực sự phát huy hiệu quả hay không rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ ngành chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ động vật hoang dã: Cần những hành động cấp bách