Việc có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vẫn là điều rất cần thiết. Nó sẽ là “hành lang pháp lý” để những người có tâm, có tầm không e dè khi dám làm vì lợi ích chung.
Tại Hội nghị bàn giao nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ giữa Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (sáng 15/4), tân Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới, hành động bản lĩnh, quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Một trong những nội dung của nhiệm vụ thứ 10 trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: Chính phủ sẽ có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và việc bảo vệ đội ngũ cán bộ tốt là vấn đề không mới nhưng nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Vì thực tế cho thấy, nếu đội ngũ tiên phong không được bảo vệ thì họ sẽ bị cô lập bởi những đối tượng trì trệ, bảo thủ, cơ hội, khiến họ không phát huy được năng lực của mình. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc nâng cao nhận thức thì rất cần sớm có cơ chế để giúp cán bộ tự tin, vững tâm hơn khi mạnh dạn giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, người dũng cảm tố cáo, dám lên tiếng những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, song chưa có cơ chế để bảo vệ nên họ dễ bị cô lập, thậm chí bị đưa ra ngoài tổ chức. “Ngoài chủ trương, quy định của Đảng cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” - ông Dĩnh nói.
Cũng do sự phức tạp của vấn đề, nên trong thực tế đã có tâm lý cầm chừng, không dám quyết vì cho rằng “không làm thì không sai, làm nhiều thì sai nhiều”. Nói như ông Dĩnh thì nếu có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung thì sẽ loại bỏ được tâm lý e dè đó. “Cán bộ làm đúng chức trách, nhiệm vụ thì không có gì phải sợ”.
Còn theo ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ chế cần được xây dựng một cách chặt chẽ, nghiên cứu kỹ ở nhiều khía cạnh nếu không sẽ giảm ý chí của người dám nghĩ, dám làm. “Dám nghĩ, dám làm là thực hiện những cái mới. Tuy nhiên, trong khi thực hiện những cái mới, cái thí điểm đó có những mặt được và mặt chưa được. Vậy, đối với mặt chưa được, cán bộ sẽ được bảo vệ như thế nào?” - ông Hiện đặt vấn đề.
Với ông Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để thực hiện khát vọng thì họ sẵn sàng dám chịu trách nhiệm chứ không phải là những người yếu kém tranh công đổ lỗi, khi làm sai lại đổ tại cơ chế, tại lỗ hổng luật pháp. Tuy nhiên, muốn khuyến khích cán bộ dám đột phá, sáng tạo thì cơ chế, chính sách pháp luật cần phải được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bắt kịp với sự vận động của thực tiễn. “Nếu luật pháp và các văn bản pháp quy không bám sát thực tiễn cuộc sống, không rõ ràng thì sẽ không bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm” - theo ông Chức.
Cùng về vấn đề này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng không ít lần cho rằng cần phải khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Ông Thưởng nhấn mạnh, để xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức viên chức, có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ hết lòng phục vụ nhân dân thì phải chú trọng công tác kiểm tra giám sát, nhất là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trở lại câu chuyện cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vì lợi ích chung; những ngày qua xã hội đã chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19. Rất nhiều quyết định đã được đưa ra “tức thì” theo sát tình hình diễn biến của dịch. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đấu gian nan này. Nếu như không dám chịu trách nhiệm, chỉ chờ đợi cấp trên chỉ đạo, thì chắc chắn dịch bệnh đã diễn biến tệ hại hơn rất nhiều.
Trong cuộc chiến đấu này, phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Cả hai mục tiêu đều khó, đều cần tới trí tuệ, bản lĩnh và sự quyết đoán, quyết tâm. Cuộc chiến đấu này cũng chính là lúc thử thách, rèn luyện cán bộ, vàng thật thì không sợ lửa.
Nhưng, như đã nói, việc có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vẫn là điều rất cần thiết. Nó sẽ là “hành lang pháp lý” để những người có tâm, có tầm không e dè khi dám làm vì lợi ích chung. Cơ chế ấy sẽ đánh tan cách nghĩ, cách hành xử xấu khi cô lập người tốt, không làm nhưng lại nhăm nhăm bới móc khuyết điểm của người làm việc, kể cả dựng lên khuyết điểm, để rồi gây bè kéo cánh đánh gục họ, loại bỏ họ. Cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng sẽ hình thành, xây dựng được cách đánh giá, hành xử tốt đẹp cho xã hội, để từ đó ngày càng có nhiều người tự tin đóng góp cho xã hội.
Đó là điều thực sự cần thiết và cũng rất thực tế.