Bảo vệ người lao động trước tác động dịch Covid-19

Quỳnh Hoa -Lan Hương (ghi) 14/04/2020 22:37

Trả lời báo chí sáng 14/4, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, TS Lee Chang-Hee, cho rằng tại Việt Nam những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, họ đang đối mặt với những rủi ro rất lớn về việc làm.

Bảo vệ người lao động trước tác động dịch Covid-19

TS Lee Chang-Hee.

Tuy nhiên TS Lee Chang-Hee cũng cho rằng còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với Việt Nam do chưa có những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây ra đối với doanh nghiệp (DN) và việc làm. Mặc dù tỷ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức, cụ thể là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế. Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. “4 lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%”- ông Lee nói đồng thời cho biết, ông đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ DN, việc làm và thu nhập. Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những DN có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Cùng đó, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. “Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ”- ông Lee nói và cho rằng bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người lao động trước tác động dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO