Kinh tế

Bảo vệ người tiêu dùng trên “chợ mạng”

Nhóm Phóng viên 10/06/2024 09:45

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD; trong vòng 4 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có hình thức livestream (phát video trực tiếp) phát triển mạnh mẽ càng đặt vấn đề cần bảo vệ người tiêu dùng khi “đi chợ mạng”.

anhcover.jpg
Cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu giả mạo. Nguồn: QLTT.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023, thu thuế trong lĩnh vực TMĐT gần 100.000 tỷ đồng; tăng 16,1% so với năm 2022, trong tổng doanh số gần 21 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Diên cũng cho rằng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể thất thu thuế trong lĩnh vực này. Nhất là với hình thức levestream.

Kiểm soát những “chiến thần” livestream

Thời gian qua, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng, có khi doanh số cả triệu USD mỗi phiên. Từ đó phát sinh trốn thuế. Trong 3 năm 2021-2023, cơ quan thuế đã truy thu thuế, xử lý vi phạm tới 22.159 cơ sở kinh doanh.

Trong công điện ngày 5/6 gửi cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố... Tổng cục Thuế đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường rà soát địa chỉ livestream bán hàng, nhất là khi có sự tham gia của các blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Được biết, có những phiên livestream chỉ vài tiếng tiếng đồng hồ nhưng đã đạt doanh thu tương đương một công ty trong 1 năm. Người ta gọi đó là những"chiến thần" livestream, mà điển hình là một tài khoản TikTok sau khi đạt doanh thu 100 tỷ đồng (ngày 5/6/2024).

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hoạt động TMĐT nói chung, livestream bán hàng trên mạng đang được quản lý và giám sát theo 2 sắc thuế. Thứ nhất, đối với cá nhân có thu nhập từ hoa hồng do thực hiện livestream bán hàng có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình và cá nhân sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Thuế suất cao nhất 35% áp dụng cho cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng. Thứ hai, đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu, thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh. Trường hợp hộ kinh doanh khai nộp thuế theo mức thuế 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với các trường hợp không tự giác kê khai, nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng để xác định dòng tiền, thu nhập và thông báo mời người nộp thuế lên làm việc trực tiếp, để hướng dẫn kê khai, nộp thuế và xử lý vi phạm về thuế theo quy định pháp luật.

Số liệu quản lý thuế lĩnh vực TMĐT 2 năm gần nhất: năm 2022 số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan thuế cũng đưa các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT vào diện rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm là 31.570. Gồm 6.257 doanh nghiệp (DN) và 25.313 cá nhân.

anhbaichinh.jpg
Một streamer livestream bán hàng. Nguồn: VNE.

Nhiều hành vi gian lận, trốn thuế

Vấn đề không chỉ phức tạp với các tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh TMĐT, mà còn cả với các sàn lớn nước ngoài đang khai thác ở nước ta, khi mỗi tháng giao dịch khoảng trên dưới 1 tỷ USD với hàng nhập khẩu. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua TMĐT xuyên biên giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, gây cạnh tranh không lành mạnh cho các DN trong nước.

Riêng về thủ đoạn trốn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế cho biết có 3 dấu hiệu nhận biết. Thứ nhất, xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Thứ hai, DN hoàn thuế giá trị gia tăng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ và lập hồ sơ xin hoàn thuế. Thứ ba, DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh.

Với người tiêu dùng, họ gặp khó khăn khi phải đối phó với hàng kém chất lượng khi mà đối tượng bán hàng thường sử dụng nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để mua số lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các comment, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng. Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, các đối tượng bán hàng trên mạng không ngừng tung ra các chiêu thức dẫn dụ mang tính lừa đảo.

Cơ quan chức năng cho biết, có đối tượng tạo ra các gian hàng ảo trên sàn TMĐT uy tín; tuyển người chốt đơn, tìm mã giảm giá, cho đến áp mã giảm giá và đặt đơn mua hàng ảo, thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả. Chỉ trong khoảng nửa năm, nhóm lừa đảo đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo với giá trị hàng chục tỉ đồng để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi tài trợ mà lẽ ra người mua hàng trực tuyến được hưởng.

Tăng cường chế tài bảo vệ người tiêu dùng

Tới nay, TMĐT đang dần trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các DN tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại. Năm 2023, TMĐT tại Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đang đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mà tình trạng vi phạm ngày càng phổ biến. Năm 2023, ngành Công thương đã gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng TMĐT với 23.359 sản phẩm vi phạm. Riêng lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực này là rất ghê gớm, thấy rõ trong một số vụ đã bị cơ quan chức năng xử lý: Ansan Cosmetics - TPHCM (thu giữ 7.678 sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (thu giữ 14.000 sản phẩm); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ Bản - Nam Định (thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái; chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở Hà Đông - Hà Nội (thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng)...

Qua một số vụ đã được phát hiện, xử lý cho thấy “chợ mạng” đang ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cũng chính vì thế mà người tiêu dùng đã cảnh giác hơn. Một thống kê cho biết, hơn 70% đơn hàng mua qua mạng chỉ từ 300 nghìn đồng trở xuống, đã nói lên sự ngờ vực của người “đi chợ mạng”. Ở khía cạnh khác cũng cho thấy người tiêu dùng đành “bỏ qua” khi hàng nhận về không ưng ý, đồng thời với việc họ không biết khiếu nại ở đâu, không được bảo vệ. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nếu hoạt động TMĐT không sòng phẳng, minh bạch thì sẽ phải đối diện với khó khăn trong tương lai khi nềm tin thị trường giảm sâu.

Hiện đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội, cũng như trên các sàn TMĐT. Trong đó có Nghị định 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động thanh toán TMĐT vẫn rất khó khăn khi có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang đua nhau kinh doanh online.

PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc trốn thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có hình thức livestream bán hàng cần phải có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn; đi cùng với đó là đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần tìm ra người bán hàng vi phạm là ai. Nói tóm lại, theo ông Thịnh, là cần một kho dữ liệu về những người kinh doanh trên “chợ mạng”.

Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công thương về 929 sàn TMĐT; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn TMĐT để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 của ngân hàng. “Sắp tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành giao cơ quan thuế thu thuế qua sàn giao dịch TMĐT, trong đó, tập trung ở Hà Nội và TPHCM” - ông Phớc cho biết.

anh-theo-box.jpg

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trước những thuận lợi trong mua sắm hàng hóa mà TMĐT mang lại, việc kinh doanh, buôn bán hàng giả có sự chuyển dịch và phổ biến trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù, như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Ông Linh cũng cho rằng, hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận nóng bỏng vì có đến 80% hàng giả được mua - bán trên mạng. Vì thế cần những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn để phòng, chống, xử lý hàng giả trên thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người tiêu dùng trên “chợ mạng”