Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều sông suối, những hồ nước và đặc biệt là diện tích biển mênh mông. "Thời gian đằng đẵng không gian mênh mông", cũng dựa vào nước mà đất nước phát triển. Nhưng, theo thời gian, nguồn lợi trời cho ấy đôi lúc đã không được bảo vệ, sử dụng đúng cách, quay ngược trở lại tạo ra mối lo cho cộng đồng và tác động xấu tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Những dự án cống hóa chậm chạp khiến những con mương nội đô bị ô nhiễm.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhiều đô thị đã mọc lên dọc theo hai bờ sông hay là vùng duyên hải ven biển. Rất nhiều thành phố lớn gắn liền với những con sông. Với Việt Nam, khắp 3 miền, những đô thị lớn trong lịch sử cũng men theo những dòng sông lớn. Phía Bắc, đó là sông Hồng, mà tiêu biểu là Thăng Long-Hà Nội. Miền Trung, dòng Hương giang chảy giữa thành phố Huế. Miền Nam, sông Đồng Nai- Sài Gòn cho đất nước thành phố đông dân, phát triển bậc nhất, từng được coi là “hòn ngọc Viễn Đông”.
Ngay cả những vùng núi cao, địa hình chia cắt, kinh tế - xã hội kém phát triển thì các bản làng cũng thường hình thành dọc theo những con suối. Nơi nào có nguồn nước tốt thì cũng là nơi con người quần cư, định cư, rồi dần dà phát triển lên. Vì thế mới nói, nguồn nước (ở đây là nguồn nước nổi) chính là nơi khởi thủy của sự phát triển.
Nhưng, theo thời gian, dân cư đông lên, nguồn nước trở nên khan hiếm. Đáng lưu ý là nguồn nước lại bị hủy hoại trong quá trình phát triển. Hẳn nhiều người còn nhớ, dòng sông Đồng Nai từng bị hủy hoại bởi sự xả thải của một công ty sản xuất bột ngọt. Con sông nuôi dưỡng, ấp ủ biết bao thế hệ bỗng trở thành con sông chết. Chỉ vì trốn tránh nghĩa vụ môi trường, người ta âm thầm sát hại cả một khúc sông. Những con người “quanh năm buôn bán ở mom sông” mất kế sinh nhai.
Dòng nước phù sa bỗng trở thành dòng nước thải độc hại. Sự hủy hoại đó muốn khôi phục trở lại cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Ở đây, có thể thấy, để tránh việc đầu tư một số tiền lớn xử lý chất độc hại trước khi xả ra môi trường, người ta “rất thích” xây dựng nhà máy gần sông. Những đường ống xả thải không cần phải qua hệ thống bể xử lý mà tinh quái luồn vào lòng đất để rồi đổ vào sông. Những tưởng “lấy nước làm sạch”, nhưng làm sao nước có thể hòa tan, có thể phân hủy được độc tố hóa chất. Và rồi, chính dòng nước ấy lại chảy về xuôi, mang theo chất độc hại của những nhà máy gieo rắc độc hại cho vùng hạ lưu.
Gần đây, việc một nhà máy đường (ở Hòa Bình) không bảo đảm quy trình xử lý nước thải trước khi thải ra, đã xuôi về Thanh Hóa khiến cá nuôi của bà con trên sông lăn ra chết. Tuy rằng cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận của mình đã phớt lờ sự phát triển bền vững, sống chết mặc bay, cứ xả thải thẳng ra dòng sông. Tới nay, thật khó có thể nói con sông nào của đất nước trong sạch, không chứa độc tố do con người xả ra.
Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, đất nước ta có 2.360 con sông, dòng kênh lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Lượng nước không đồng đều giữa các hệ thống sông: hệ thống sông Cửu Long chiếm 60,4%, hệ thống sông Hồng 15,1%; các con sông còn lại chiếm 24,5%. Đó là sự ưu đãi của thiên nhiên, nhưng sự ưu đãi đó không phải lúc nào cũng được trân trọng, phát huy.
Cùng với sự xả thải không qua xử lý vào các dòng sông, người ta còn lo lắng bởi nạn khai thác cát quá rầm rộ khiến lòng sông cũng như hai bên bờ sông bị biến dạng, gây khó khăn cho việc vận chuyển đường thủy nội địa, làm cho những cánh đồng bãi dần biến mất. Đã thế, do ảnh hưởng của El Nino, sự nóng lên của Trái Đất, lượng mưa giảm, nhiều dòng sông dần cạn nước.
Suốt từ đầu năm tới nay, nhiều dòng sông ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ khô cạn, có đoạn trơ cả đáy. Thật khó tưởng tượng người dân hai bên bờ sông Krông Ana đào cả hố trong lòng sông để tìm nước. Đã thế, khu vực này những năm qua mọc lên quá nhiều nhà máy thủy điện lớn nhỏ, khiến nước các dòng sông trong tự nhiên bị đổi hướng.
Nhưng đập thủy điện, đập tràn cũng khiến lượng nước Trời cho phải nằm dưới sự khống chế của con người một cách không hợp lý. Những hồ đập ấy, ngoài việc phục vụ cho thủy điện, còn phải làm chức năng điều tiết nước, nhưng khốn thay, mùa nắng hạn lại không có nước, khi lũ về lại xả ra, khiến người dân khốn khó.
Cùng với những dòng sông suối, những hồ nước- tới nay người ta thật sự lo ngại về nước biển gần bờ. Vụ cá chết ở các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế tới nay vẫn chưa có hồi kết. Vì sao cá chết? Có phải do sự biến đổi của nguồn nước hay là độc tố của nhà máy xả ra? Câu hỏi thực tế nhưng câu trả lời thì lơ lửng. Ngư dân những vùng biển này cho dù đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng dẫu thế thì cũng vẫn chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài, đó phải là môi trường biển trong sạch. Nhưng có sạch được không khi mà việc kiểm soát xả thải đối với các nhà máy vẫn không chặt chẽ?
Trong những ngày này, vấn đề môi trường rất nóng. Vấn đề nguồn nước rất nóng. Cùng với nước sông, hồ, nước biển ô nhiễm thì việc xâm nhập mặn đối với Tây Nam Bộ một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguồn nước. Đất nước nhiều sông suối, mặt biển mênh mông, nhưng nếu không biết bảo vệ, gìn giữ, sử dụng hợp lý thì hậu họa là khó lường. Những ai còn giữ ý nghĩ nước là quà tặng của thiên nhiên cho dân tộc này thì cũng rất cần phải nghĩ lại, vì tài nguyên không phải là vô tận.