Theo ông Young-mo, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thực tế một doanh nghiệp chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường.
Tuy nhiên, các giải pháp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết hậu phá sản là chính, chứ chưa chú ý nhiều đến việc chuẩn bị cho người lao động trước khi quá trình phá sản của doanh nghiệp diễn ra. Chính vì vậy, dù đã có nhiều giải pháp nhưng việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ) khi doanh nghiệp (DN) phá sản vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động cần làm rõ khái niệm “Doanh nghiệp bỏ trốn”.
Gia tăng số DN nước ngoài bỏ trốn
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, cách thức phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ tại DN phá sản, chủ bỏ trốn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình trạng DN nước ngoài bỏ trốn ngày càng gia tăng xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù khó để có được số liệu đầy đủ do hạn chế trong báo cáo của các địa phương, nhưng theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thì tính đến ngày 31/10/2018, số nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 6.760 tỉ đồng. Riêng đối với DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn tính đến tháng 9/2018 là 2.270 DN, với số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỉ đồng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 NLĐ.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, trong giai đoạn 2013-2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 trường hợp DN phá sản, chủ bỏ trốn. Theo đó, 4.282 NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi, chủ yếu tập trung ở các DN may (với 3.746 NLĐ). Tổng số tiền DN nợ lương là hơn 23 tỉ đồng, nợ phép năm là hơn 700 triệu đồng, và nợ BHXH là hơn 58 tỉ đồng. Phân loại theo đối tác đầu tư, có đến 12 DN FDI với 3.476 NLĐ, trong đó chủ yếu tập trung ở các DN có vốn từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản..., trong khi con số này ở DN trong nước là 8.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM, việc các chủ DN bỏ trốn sau một thời gian hoạt động cũng có nguyên nhân từ việc quy định thành lập DN quá dễ dàng và không có các quy định, cũng như chế tài hậu kiểm việc góp vốn của DN.
Còn tại Đồng Nai, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, việc DN phá sản, chủ bỏ trốn luôn để lại hậu quả nặng nề mà đối tượng chịu tác động trực tiếp đó là NLĐ. Trong 7.272 lao động của DN có chủ bỏ trốn, phá sản có trên 5.000 NLĐ bị ảnh hưởng liên quan đến việc DN chi trả chế độ chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN...
Điển hình gần đây là vụ “biến mất” của Công ty TNHH KL Texwell Vina, 100% vốn Hàn Quốc, ở Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo, huyện Trảng Bom vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Lãnh đạo công ty bỏ trốn về nước với tổng số tiền lương còn nợ lại gần 13,7 tỉ đồng, khiến hơn 1.900 NLĐ lao đao, mất hết quyền lợi. Vụ việc diễn ra vào thời điểm cận Tết ảnh hưởng lớn đến đời sống NLĐ, không tiền lương, tiền thưởng, các chế độ chính sách khác như BHXH, thai sản... không được giải quyết.
Hoàn thiện khung pháp lý
Để giải quyết quyền lợi cho NLĐ ở những DN bỏ trốn, Bộ LĐTBXH đã ban hành thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh Hà trên thực tế chính sách lại chưa đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó chính Luật Doanh nghiệp cũng chưa có khái niệm “doanh nghiệp bỏ trốn”. Do vậy, bà Hà kiến nghị Chính phủ cần sớm đưa quy định về “doanh nghiệp bỏ trốn” vào Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính khi DN thực hiện hồ sơ giải thể, cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động đầu tư của các DN.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, dự báo tình trạng quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng vì DN bỏ trốn còn phức tạp hơn trong thời gian tới. “Dù các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho NLĐ, song còn rất nhiều vấn đề rất lớn đặt ra, đặc biệt là khoảng trống về mặt pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ông Hiểu cho biết đã kiến nghị với Chính phủ cần bổ sung vào luật những quy định pháp lý để giải quyết tình trạng chủ DN bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản DN. “Hiện chúng tôi đang kiến nghị sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh trong thời gian tới tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ DN bỏ trốn. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh trong thu hút đầu tư cần lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, quản trị DN, đặc biệt là những DN có ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội” - ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Ở góc độ khác, ông Young-mo, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, trên thực tế một DN chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường. Tuy nhiên, các giải pháp tại Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết hậu phá sản là chính, chứ chưa chú ý nhiều đến việc chuẩn bị cho NLĐ trước khi quá trình phá sản của DN diễn ra.
“Các quy định của pháp luật về DN phá sản tại Việt Nam vẫn đang bị bỏ ngỏ. Một DN sắp ngừng hoạt động luôn có những dấu hiệu không tốt cảnh báo, do đó cần có giải pháp ứng phó ngay tại thời điểm quá trình phá sản chưa diễn ra, nên vai trò của công đoàn trong những giai đoạn này là cực kỳ quan trọng”- chuyên gia ILO nhấn mạnh.