Ngày 25/10, Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có kết cấu 51 Điều và 6 Chương. So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2010, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) lần này bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 2 Điều khoản.
Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi NTD. Đồng thời nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi NTD, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Về các điểm mới, dự thảo luật đã bổ sung thêm một chương mới về bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm NTD theo hướng xác định chính xác NTD là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm NTD có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn NTD thông thường, dự thảo luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Cùng với đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi NTD. Cụ thể, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của NTD trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
“Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của NTD trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng” - Bộ trưởng Công thương cho hay.
Đặc biệt, dự thảo luật quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Huy, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi NTD.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như: Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.