Sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã thành vấn đề đáng báo động, đặc biệt hơn khi những sản phẩm này đang “tấn công” vào trường học. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội – Tổng hội Y học Việt Nam về vấn đề này.
PV: Hiện nay, đang gia tăng rất nhanh số người sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...), đặc biệt là ở giới trẻ. Ông có thể nhận định về thực trạng này?
TS Nguyễn Huy Quang: Trước tiên, tôi muốn làm rõ về cách gọi thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Cách gọi này rất dễ gây hiểu lầm, đặc biệt cho giới trẻ vì “thế hệ mới” thường liên tưởng đến những gì mới, hiện đại và tốt hơn. Thậm chí, một số người bắt đầu sử dụng sản phẩm này vì được giới thiệu rằng đây là thuốc lá thế hệ mới, giảm hại, ít hại, giúp cai nghiện thuốc.
Nhưng tôi nhấn mạnh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều là những sản phẩm gây hại cho sức khỏe của người hút và những người xung quanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thông tin rất rõ về điều này.
Theo nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi 13-15 gia tăng từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022. Đáng lưu ý, xét theo giới tính, tỷ lệ học sinh nam dùng thuốc lá điện từ năm 2019 là 2,6%, tăng lên 4,3% năm 2022. Tỷ lệ học sinh nữ dùng thuốc lá điện tử năm 2019 là 1,5%, tăng lên 2,8% năm 2022.
Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điếu rất thấp. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới hướng đến nữ giới và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá đã và có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến trẻ em bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài. Bằng chứng từ các quốc gia cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy, thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá…
Không dừng lại tại đó, tại Việt Nam, một số trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma túy - Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Các nhà sản xuất thuốc lá mới đã sử dụng nhiều cách thức tinh vi để thu hút thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm này thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, quảng bá trên mạng xã hội và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao.
Theo tôi, đây là tình trạng đáng báo động và cần sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn các sản phẩm độc hại này lưu hành trên thị trường.
Gần đây, Bộ Y tế đã có đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về các sản phẩm này. Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về phương án quản lý đối với sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm các sản phẩm nicotine) và các ý kiến còn chưa thống nhất. Theo tôi, việc ban hành chính sách cấm các sản phẩm này là rất cần thiết, nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng gia tăng ở giới trẻ cũng như những tác động đến sức khỏe, xã hội.
Bất kì sản phẩm thuốc lá nào cũng đều gây nghiện và gây hại. Vậy nên, cần phải rất cẩn trọng trong việc đưa ra chính sách quản lý vì hậu quả kéo theo là to lớn và lâu dài. Để bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm độc hại, xây dựng một môi trường phát triển lành mạnh, việc cấm lưu hành các sản phẩm này là thiết thực.
Một vài thông tin có thể chia sẻ thêm về hành động của thế giới đối với những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, năm 2021, tại Phiên họp thứ chín của Hội nghị các bên tham gia WHO-FCTC (Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO) đã thông qua Nghị quyết FCTC/COP9 về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó lưu ý các Bên về cam kết của họ theo WHO-FCTC khi giải quyết những thách thức do sản phẩm thuốc lá mới đặt ra. Nghị quyết COP9 về thuốc lá nung nóng đã khuyến cáo các Bên tham gia áp dụng các biện pháp để “ngăn chặn sự bắt đầu của các sản phẩm thuốc lá mới đối với người chưa từng hút thuốc giới trẻ, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương; bảo vệ sức khoẻ của mọi người khỏi việc phơi nhiễm với các khí thải; bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá khỏi tất cả các lợi ích thương mại và các lợi ích khác liên quan đến các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm các lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá”.
WHO cũng khẳng định việc “quy định bao gồm cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, theo tình hình của mỗi quốc gia” là một trong những lựa chọn nhằm bảo đảm lợi ích sức khỏe cho con người (FCTC/COP8).
Theo tôi, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo thống nhất cấm sản phẩm này, đồng thời, ban hành quy định sớm để có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn cho việc xử lý hành vi buôn bán bất hợp pháp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin từ Công An quận Hà Đông (Hà Nội), từ ngày 31/3 đến 4/4, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết 2 vụ việc liên quan đến học sinh sử dụng thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vụ thứ nhất, học sinh H. (lớp 11) cho D. mượn Pod - thuốc lá điện tử để hút. Sau khi hút xong, D. có biểu hiện choáng, mệt mỏi, tay chân mất sức, hoảng loạn. Quá trình xác minh, H. thừa nhận tinh dầu trong thuốc lá điện tử này là loại khác với tinh dầu vị hoa quả học sinh hay sử dụng, không tem mác, được H. mua online qua Facebook.
Vụ thứ hai, học sinh Đ. (lớp 10) nhỏ 2 giọt tinh dầu vào chai nước uống chung. Sau khi uống, Đ. và 2 bạn khác có biểu hiện mệt, buồn nôn, nóng trong người, tay chân mất sức, phải đi cấp cứu. Bệnh viện chẩn đoán nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống thể viêm dạ dày, ruột.