Chính trị

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

H.Vũ 27/06/2024 15:49

Sáng 26/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi Luật này là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

anh-bai-tren(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nguồn: Quochoi.vn.

Số hóa di sản văn hóa

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư về phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới.

Theo ĐBQH Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Do đó kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để khuyến khích cho những nỗ lực của các thành phố đã được vinh danh là thành viên của mạng lưới học tập sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu. Đề nghị cần có cơ chế, chính sách quảng bá hình ảnh sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển để tạo thêm động lực đến các thành phố khác trong cả nước. Phấn đấu đạt các tiêu chí của UNESCO, tiếp tục được vinh danh, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, quảng bá đến bạn bè quốc tế.

Về chính sách của Nhà nước đối với di sản, ĐBQH Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, dự thảo Luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật.

Nhắc tới khoản a Điều 7 dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu đã được đưa vào danh sách của UNESCO, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng chúng ta đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận như: múa rối nước, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù. Vì vậy, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về việc ưu tiên bố trí ngân sách để làm căn cứ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật trên.

Cần có chiến lược “hồi hương” cổ vật

Theo ĐBQH Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên), dẫn số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến nay cả nước có hơn 41.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; 130 di tích quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích quốc gia, hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, các di tích Phật giáo có 15 di tích quốc gia đặc biệt, 829 di tích quốc gia và hơn 3000 di tích cấp tỉnh, thành phố.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng cho rằng, các ngôi chùa vừa là cơ sở tôn giáo, vừa là di tích lịch sử văn hóa. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm của tổ chức tôn giáo trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những trường hợp này.

Cùng đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ cần có chiến lược hồi hương cổ vật, đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước. Để thực sự khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát hiện, mua, hiến tặng, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước thì dự thảo Luật cần tính đến việc quy định miễn các loại thuế, phí liên quan đến các di vật, cổ vật được hồi hương về nước không vì mục đích trao đổi, mua bán, kinh doanh kiếm lời.

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, theo ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), công tác này không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Nghiên cứu Điều 63 tại dự thảo Luật về nhiệm vụ của bảo tàng; Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật và thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ, bảo quản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật, bà Phúc kiến nghị, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật.

Góp ý về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, ĐBQH Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cho biết, tại khoản 5 Điều 49 quy định: “Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho Nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác”.

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 47 của Hiến pháp, vấn đề về thuế phải quy định trong Luật, và hiện nay thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh trong các Luật chuyên ngành. Do đó, ông Lềnh đề nghị cần làm rõ nội hàm chính sách của quy định nêu trên để có quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa