Góc nhìn Đại Đoàn Kết

'Bắt bệnh' thị trường vàng

Ngọc Quang 15/04/2024 07:13

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước.

Đã nhiều năm, thị trường vàng trong nước mới lại chứng kiến sự biến động mạnh như bây giờ. Từ sau Tết Nguyên đán 2024, vàng bắt đầu lên giá. Cao điểm trong vòng 1 tháng qua, vàng miếng cùng vàng nhẫn liên tục phá kỷ lục giá. Kéo theo việc cả bên bán lẫn người mua cùng nhau “đu đỉnh”. Không ít ngày, người dân “rủ nhau” đi bán vàng và cũng không ít ngày người dân lại chen chân mua vàng, khiến thị trường vàng xáo trộn, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Nếu như ngày 1/3, giá vàng miếng SJC đã được coi là lập đỉnh ở ngưỡng 77,55 - 79,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nhưng rồi hết “đỉnh” này lại đến “đỉnh” khác dù cho giá có lúc xuống lúc lên. Tới chiều ngày 9/4, giá vàng miếng tăng sốc khi lên tới 82,7 - 84,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); cao hơn 2,1 triệu đồng/lượng so với giá buổi sáng cùng ngày. Còn giá vàng nhẫn cũng “lên cơn sốt” khi Công ty SJC niêm yết mua vào 73,9 triệu đồng/lượng, bán ra 75,3 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng.

Lui về trước đó, vào ngày vía Thần Tài (ngày 19/2 dương lịch, tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng. Như vậy, trong vòng 2 tháng, giá vàng nhẫn tăng tới 8 triệu đồng/lượng.

Mới nhất, ngày 14/4, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 80,60 - 83,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, so với giá ngày trước đó.

Ổn định thị trường vàng là vấn đề nóng. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 23 ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải xem việc quản lý thị trường vàng là nhiệm vụ rất quan trọng. Tính từ tháng 6/2023 đến tháng 3/2024, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải “bắt đúng bệnh” mới có giải pháp quản lý thị trường vàng kịp thời, hiệu quả để xử lý tình hình trong hiện tại và tương lai.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để thị trường vàng trong nước ổn định, không quá chênh với giá vàng thế giới thì cần chỉnh sửa Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giá vàng tại thị trường Việt Nam tăng cao có nguyên nhân từ việc giá vàng thế giới tăng, nhiều ngân hàng trung ương “kiên trì” mua vàng trong gần 2 năm qua, coi như một công cụ quản lý rủi ro. Tuy nhiên, vẫn theo đại diện ADB, thị trường vàng Việt Nam biến động mạnh còn do tâm lý mang tính đặc thù. Khi cầu tăng mà cung không tăng thì giá tăng nhanh do nhiều người vội vã mua vàng.

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới; trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, muốn mua và "chơi" vàng trong lúc này, người mua cần cập nhật diễn biến giá vàng theo từng giờ, không nên "bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ". Càng không nên “lướt sóng” ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường. Đặc biệt, người mua vàng không nên vay tiền để mua bởi nếu giá vàng giảm sẽ bị lỗ, bên cạnh đó còn phải trả lãi.

“Bắt đúng bệnh” để ổn định thị trường vàng, nhất là khi thời gian qua giá vàng trong nước có dấu hiệu bị “thổi” lên. Có những lúc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 17 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh không thể chấp nhận.

Nếu không kiểm soát tốt thị trường, cứ để giá vàng “đu đỉnh” thì nỗi lo “vàng hóa” nền kinh tế sẽ quay trở lại với nhiều hệ lụy khó lường.

Chính vì thế, việc Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức quá cao, là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bắt bệnh' thị trường vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO