Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Cao điểm cuộc đua vào lớp 10

Bảo Thư 12/04/2024 06:55

Ngày 8 và 9/6 tới, Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường trung học phổ thông công lập. Thời điểm này chính là cao điểm luyện thi và chọn trường của học sinh và phụ huynh. Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 dự kiến số học sinh được tuyển vào trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội khoảng 60%.

Để không xảy ra hiện tượng xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ lớp 10 năm học tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các trường triển khai thu hồ sơ dự tuyển của thí sinh bằng hình thức trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường trung học phổ thông (THPT) công lập với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Nhiều năm qua, thi vào 10 trường công ở Hà Nội đã trở thành kỳ thi căng thẳng bậc nhất. Khu vực nội thành, điểm trúng tuyển luôn ở mức rất cao. Số liệu 5 năm trở lại đây cho thấy, Trường THPT Chu Văn An đứng đầu cả 3 năm, trung bình luôn trên 8,5 điểm 1 môn. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ luôn nóng bỏng khi mùa thi đến. Các quận/huyện khác, tuy có “dịu” hơn, nhưng điểm số cũng không hề thấp. Lý do chính là do số thí sinh thi vào trường công nhiều nhưng trường lớp ít.

Sức ép thi cử nên ngay từ tháng 3 năm nay, trong khi các trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không được phép tổ chức thi thử tuyển sinh lớp 10, nhưng các trường THPT chuyên thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố vẫn tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của rất đông học sinh lớp 9, cho dù lệ phí không hề rẻ. Trong đó có Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (tổ chức thi thử 2 đợt, lệ phí đăng ký là 450.000 đồng/đợt thi, không hoàn lại nếu thí sinh bỏ thi). Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức 2 đợt thi thử. Với Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, đợt 1 có 1.300 thí sinh dự thi thử, đợt 2 có trên 2.000 thí sinh. Lệ phí dự thi là 450.000 đồng/lượt thi 3 môn.

Dù chỉ mang tính chất đánh giá, kiểm tra năng lực nhưng nhiều năm trở lại đây, không ít phụ huynh Hà Nội đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đăng ký cho con tham gia các kỳ thi thử trước mùa tuyển sinh chính thức vào lớp 10. Phụ huynh đăng ký cho con tham gia kỳ thi thử chủ yếu do tâm lý lo lắng, sốt ruột.

Điều đó càng cho thấy mức độ căng thẳng mùa thi vào 10 ở Hà Nội. Nhiều người còn đặt vấn đề đó là “cuộc thi” hay “cuộc chiến?”. Năm học 2024-2025 được dự báo “cuộc chiến” vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng khi mà có thể tới trên 50.000 học sinh lớp 9 sẽ không thể đỗ vào một trường THPT công lập.

Cũng từ đó mà nhiều bậc phụ huynh đã coi việc con em mình trượt kỳ thi này là “câu chuyện tức tưởi”, khi mà nếu không vào được trường công, phải học trường tư với mức chi phí cao nhiều gia đình không cáng đáng nổi. Mà cũng không thể để con em mình nghỉ học vì với tuổi đó thì biết làm gì. Lo lắng cho kỳ thi là nỗi ám ảnh với học sinh, đặc biệt là những em nhà nghèo, kể cả gia đình ở mức “đủ ăn”.

Khi việc gia tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM ngày càng cao, thì áp lực về thiếu trường công lập sẽ ngày càng tăng. Mặc dù Hà Nội đã cho rà soát, có những giải pháp như tách trường lớp và tăng sĩ số lớp, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Nói với truyền thông, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng việc giảm áp lực cho cuộc thi vào lớp 10 thực sự là bài toán khó. Nếu chỉ giải quyết bằng cách tăng lớp, tăng sĩ số học sinh, thì là giải pháp ngắn hạn, trước mắt. Về lâu dài, với các thành phố lớn, quy hoạch về phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Còn về câu chuyện phân luồng, theo bà Mai Hoa, đây là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế nếu để đạt chỉ tiêu phân luồng vào các trường nghề mà dùng hình thức thu hẹp cánh cửa vào các trường phổ thông công lập, “ép” học sinh chọn trường nghề sẽ không hiệu quả; thậm chí còn ảnh hưởng tới quyền được học hết bậc phổ thông của trẻ.

Mở rộng cánh cửa hơn cho học sinh vào trường công. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần mở thêm trường THPT công lập tại những khu vực đông dân cư, vẫn biết điều đó không hề dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao điểm cuộc đua vào lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO