Bất cập khi thích làm thầy, không làm thợ. Bài cuối: Hướng nghiệp từ cuối cấp THCS là phù hợp nhất

Nguyễn Hoài (thực hiện) 26/08/2022 10:00

Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh dù đã có chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều thách thức. Vì sao công tác này chưa đáp ứng yêu cầu xã hội? Đâu là giải pháp vấn đề? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - Bộ GDĐT (MOET-TSC) về vấn đề này.

Ông Bùi Văn Linh.

PV:Thưa ông, hiện nay, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề, dẫn tới tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm, nhiều em làm trái ngành trái nghề cao, gây lãng phí nguồn nhân lực để phát triển xã hội. Ông đánh giá thế nào về công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện nay trong trường phổ thông?

Ông BÙI VĂN LINH: Trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục. Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn nghề, chọn ngành, huy động ngày càng nhiều số lượng học sinh sau phổ thông tham gia thị trường lao động.

Các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” với hàng loạt các hoạt động được triển khai. Mới đây nhất, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục làm cơ sở pháp lý quan trọng hướng dẫn các nhà trường tổ chức triển khai hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn chỉ ra, công tác hướng nghiệp học sinh trong trường phổ thông trong thời gian qua còn tồn tại các bất cập, hạn chế. Công tác phân luồng học sinh phổ thông đi học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa đẩy mạnh được phân luồng, tỷ lệ phân luồng trong những năm qua cả nước còn thấp, chưa đáp ứng được chỉ tiêu 30% đề ra, học sinh sau trung học chủ yếu mong muốn đi học đại học (ĐH).

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục cấp sở, phòng và ở các trường học chưa quan tâm đúng mức tới công tác này. Vẫn còn tư tưởng nặng về thi cử, quan tâm và đầu tư đến việc nâng cao tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào ĐH, cao đẳng. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, các hoạt động đôi khi chỉ như là để thực hiện cho đủ các thành phần của kế hoạch nhà trường mà chưa đầu tư công sức để tìm biện pháp cụ thể mang tính khả thi và hiệu quả đối với giáo dục hướng nghiệp của địa bàn, của trường mình.

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: TL.

Từ những bất cập, hạn chế ở trên, theo ông, công tác tư vấn hướng nghiệp cần đẩy mạnh ở bậc học nào và cần tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh thế nào để các em thấy được năng lực của mình ở đâu, phù hợp với học nghề hay học tiếp, để xác định việc học - thi cho hiệu quả?

- Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang đặt trọng tâm vào những học sinh trung học phổ thông (THPT), nhất là lớp 12. Tuy nhiên, các em cần quan tâm sớm hơn đến việc hướng nghiệp, tốt nhất là từ cuối cấp THCS, cần chú trọng cân nhắc khi chọn khối ban để học THPT. Thế nên, hướng nghiệp cần được tiến hành và đẩy mạnh ở cuối cấp trung học cơ sở (THCS) là phù hợp nhất với sự phát triển tâm lý, nhận thức ở học sinh.

Điều đáng quan tâm là giáo dục hướng nghiệp cần phải xuyên suốt không chỉ bắt đầu ở tiểu học, cuối cấp THCS hay kết thúc khi học sinh lựa chọn được khối thi và ngành thi. Hướng nghiệp ở trường ĐH cũng rất quan trọng. Nếu mục tiêu nghề nghiệp không rõ ràng, sinh viên sẽ không có động lực học tập, rèn luyện hoặc sau khi tốt nghiệp có thể các em dễ nhận việc nhưng khi gặp khó khăn hoặc những điều không phù hợp thì cũng dễ bỏ việc, nhảy việc. Hậu quả là gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả hai phía.

Tóm lại, giáo dục hướng nghiệp chỉ đạt được hiệu quả thiết thực và bền lâu khi được tiến hành sớm, phù hợp với sự phát triển của tâm lý lứa tuổi và được tiến hành thường xuyên, liên tục ngay cả khi học sinh đã bước vào giảng đường ĐH. Đó là hoạt động nhằm hỗ trợ học sinh và các cá nhân khác có định hướng nghề nghiệp cho chính mình hiệu quả cũng như hướng đến nghề nghiệp bằng một quá trình chuẩn bị lâu dài và tích cực.

Trước mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GDĐT nói chung và Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực nói riêng có phối hợp với Tổng Cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) cùng các trường nghề để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Công tác phối hợp này được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Việc triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GDĐT và Trung tâm trong nhiều năm qua. Từ năm 2018 - 2021, Trung tâm phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tổ chức các buổi tọa đàm trực tiếp cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh ĐH tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt năm 2022, Trung tâm phối hợp với các trường ĐH, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong cả nước tổ chức chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2022 với 6 chủ đề theo hình thức livestream trên trang fanpage, Youtube và các nền tảng xã hội khác của Trung tâm rất thành công.

Chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp đã cung cấp thông tin chính thống để giúp các em học sinh chuẩn bị tâm thế, xác định phương hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Những khó khăn, bất cập trong việc dạy văn hóa trong trường nghề đã được Bộ GDĐT và Bộ LĐTB&XH bàn tới nhiều song đến nay vẫn chưa được giải quyết, gây khó khăn cho người học, ảnh hưởng đến công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS. Theo ông, làm thế nào để gỡ nút thắt này?

- Về vấn đề này, tôi cho rằng cần thực hiện theo đúng Luật Giáo dục 2019, tạo điều kiện tối đa cho học sinh với các hoàn cảnh khác nhau để hoàn thiện con đường học tập. Bên cạnh đó, để công tác phân luồng, hướng nghiệp trong các trường phổ thông được triển khai sâu rộng, hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ GDĐT và Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan khác, từ chính sách, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình tài liệu đến nhận thức của phụ huynh, học sinh, xã hội, nguồn lực…

Có thể nêu ra một số giải pháp căn bản như sau: Nâng cao nhận thức trong toàn ngành giáo dục và xã hội về sự quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học...

Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đồng thời, xây dựng các giải pháp huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Tôi cũng mong muốn, Thủ tướng Chính phủ sớm giao nhiệm vụ xây dựng nền tảng hệ thống thông tin trực tuyến về tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - việc làm do Bộ GDĐT chủ trì quản lý, vận hành để kết nối các cơ quan, đơn vị, trường học trong toàn quốc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tốt hơn trong thời gian tới. Khi chúng ta làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ giúp quá trình học tập của người học và đào tạo của các cơ sở đào tạo hiệu quả hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

TIẾN SĨ LÊ VIẾT KHUYẾN – PHÓ CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐH – CĐ VIỆT NAM:

Phải xem lại công tác phân luồng hướng nghiệp

Nếu còn làm công tác phân luồng hướng nghiệp như hiện nay trong các trường phổ thông thì không có tác dụng gì. Hướng nghiệp là khi ra trường, học sinh vừa làm được nghề đã học, vừa có thể học lên thì mới hiệu quả. Nhưng hiện nay công tác này còn lùng nhùng giữa 2 bộ quản lý, dẫn tới tình trạng hướng nghiệp chưa ra hướng nghiệp, học nghề chưa ra học nghề. Phân định như vậy mới nảy sinh những bất cập trong việc dạy văn hóa trong trường nghề. Bất cập này đã được nhắc tới nhiều, các trường nghề đã “kêu cứu” mọi cửa, tuy nhiên tới nay vẫn chưa được giải quyết. Thế nên, công tác phân luồng hướng nghiệp phải xem lại, cần được khắc phục sớm.

Ở nhiều quốc gia láng giềng với Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS có thể dễ dàng đạt tới tỷ lệ là 30% vào THPT và 70% vào Trung học nghề/Trung học kỹ thuật. Điểm khác biệt của Trung học nghề ở các nước này với Trung cấp nghề của Việt Nam hiện nay là ở chỗ, Trung học nghề có cùng cấp độ 3 với THPT nên học sinh học hệ này hoàn toàn có quyền được học khi có nhu cầu, lên các trình độ cao hơn thuộc giáo dục ĐH. Do đó, trong hiện trạng hiện nay, để dễ tạo ra phân luồng cho học sinh sau THCS ở nước ta cũng nên sớm chuyển hệ Trung cấp về lại hệ Trung học nghề/Trung học kỹ thuật như thời gian trước năm 2005.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập khi thích làm thầy, không làm thợ. Bài cuối: Hướng nghiệp từ cuối cấp THCS là phù hợp nhất