Để đảm bảo đủ nguồn tuyển, các trường dạy nghề không “bắc nước chờ gạo” mà cần chủ động tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp đến từng địa phương, thậm chí từng trường THCS, THPT để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, khả năng tìm kiếm việc làm sau ra trường. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, quan niệm của phụ huynh, học sinh (HS) về phân luồng, hướng nghiệp, tham gia học nghề sớm, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Thay đổi tư duy
Ở tuổi 17, Nguyễn Xuân Thắng (học viên hệ 9+ Trường cao đẳng (CĐ) nghề Công nghệ cao Hà Nội) đã giành Huy chương Vàng kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 nghề Lắp cáp mạng công nghệ thông tin.
Trò chuyện với Thắng, em cho biết mình không thi vào lớp 10 THPT công lập như nhiều bạn bè đồng trang lứa mà đăng ký học hệ 9+ với ý nghĩ rất thực tế rằng sẽ sớm có việc làm. Em tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp và dựa trên sở trường của bản thân quyết định chọn học nghề Điện tử công nghiệp. Thời khóa biểu học tập của em lúc này là sáng học nghề, chiều học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên. Nhờ sự nghiêm túc và chăm chỉ học tập, rèn luyện, Thắng được chọn tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia và được các thầy cô, chuyên gia tận tâm huấn luyện, chuẩn bị tích cực, chu đáo nên đã giành giải quốc gia. Niềm vui vỡ òa với cậu sinh viên trường nghề khi vượt qua định kiến của nhiều người về việc phải học phổ thông, sau đó học đại học (ĐH) mới là con đường thành công. Hiện Thắng đang học chương trình CĐ liên thông và sau đó có thể học ĐH, tìm công việc phù hợp với kỹ năng đã được đào tạo.
Những HS lựa chọn con đường học nghề sau THCS ngày nay không hiếm nhưng các em vẫn đang phải đối mặt với định kiến của xã hội về bằng cấp. Trong khi phần lớn bạn bè vào trường THPT công lập hoặc tư thục, chỉ một số ít theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… khiến nhiều HS e ngại khi được thầy cô tư vấn, hướng nghiệp sang học nghề. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng vì lo lắng cho tương lai con cái vất vả, suy nghĩ học nghề sau này sẽ chỉ làm thợ, lương thấp, cơ hội thăng tiến ít… nên dù biết học lực của con yếu nhưng vẫn cố gắng chạy đôn, chạy đáo tìm trường phổ thông cho con học.
Ông Nguyễn Quang Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đà (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, những năm qua nhà trường đã tích cực phối hợp với các trường trung cấp, CĐ trên địa bàn để tuyên truyền đến phụ huynh, HS các chương trình đào tạo nghề, các cơ hội học tập, việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời cũng tuyên truyền đến phụ huynh những lợi thế khi học nghề. Tuy nhiên, do điểm chuẩn vào trường THPT trên địa bàn thấp nên cơ hội để học tiếp bậc phổ thông rất rộng mở. Trong khi đó nhiều gia đình vẫn chưa hiểu và đồng thuận trong việc cho con đi học nghề nên công tác phân luồng HS vẫn gặp khó khăn.
Đây cũng là tâm tư của em Trần Văn Mạnh (học sinh lớp 9, Trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội). Mạnh học khá môn Toán, Lý, Hóa nhưng lại rất “sợ” môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, hai môn bắt buộc sẽ có trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập hàng năm. Khi em trình bày nguyện vọng với bố mẹ về việc muốn đăng ký học trường nghề, cụ thể là nghề điện công nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS đã không nhận được sự đồng tình. Lý do là vì em vẫn còn trẻ, cứ học văn hóa trước cho tốt rồi sau đó hãy nghĩ đến việc học nghề, kiếm tiền. Dù giải thích rằng vào trường nghề vẫn học văn hóa, vẫn tốt nghiệp, có bằng cấp 3 như các bạn khác, nhưng bố mẹ Mạnh vẫn lo lắng khi học song song cả nghề, cả kiến thức văn hóa em sẽ không kham nổi. Nhất là khi việc đào tạo hai nội dung này sẽ do 2 trường khác nhau thực hiện, học ở 2 nơi khác nhau.
Vướng mắc về học văn hóa trong trường nghề cũng chính là băn khoăn của nhiều HS, phụ huynh khi muốn đăng ký học nghề sau THCS bởi nếu chỉ học 4 môn văn hóa trong trường nghề, sau này cơ hội liên thông lên bậc ĐH hoặc cao hơn sẽ khó.
Quan trọng là xác định đúng mục tiêu nghề nghiệp
Từ góc độ một nhà giáo, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi các trường THPT công lập có điểm trúng tuyển vào lớp 10 chỉ từ 3-4 điểm/môn, thậm chí có trường năm 2021 lấy 0,58 điểm/môn thì sẽ khó cho cả thầy và trò khi dạy học. Bởi chương trình lớp 10 THPT hiện hành nhìn chung khó đối với nhiều HS.
Mặc dù từ năm học 2022-2023, HS được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp nhưng với các môn bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là môn học cơ bản, xuất hiện trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của nhiều địa phương mà các em có điểm thi thấp như vậy thì không dễ để thay đổi khi lên bậc THPT nếu không có quyết tâm và nỗ lực vượt bậc.
Vì vậy, hướng đi học nghề sau THCS, THPT nên được phụ huynh và HS những gia đình này cân nhắc để đảm bảo sự phù hợp với năng lực của chính HS thay vì cố gắng chạy đua theo bằng cấp dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Tại lễ tốt nghiệp K10 Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội giữa tháng 8 vừa qua, em Nguyễn Minh Thảo, lớp Chăm sóc sắc đẹp cho biết, trong khi nhiều bạn bè chọn học ĐH sau tốt nghiệp THPT, Thảo nhận ra mình thích công việc làm đẹp. Đi sâu tìm hiểu, em biết được đây sẽ là ngành nghề mà xã hội càng phát triển sẽ càng cần đến nên quyết định đi học nghề. Chọn đúng ngành, nỗ lực học tập và được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, Thảo đã tốt nghiệp và đi làm đúng chuyên môn với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Thảo cũng vừa ghi dấu ấn với Huy chương Vàng nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2022.
TS Trần Xuân Ngọc - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, 100% sinh viên CĐ khóa 10 tốt nghiệp năm 2022 và các khóa trước đây đều được nhà trường giới thiệu việc làm, nhiều em có được những lựa chọn công việc với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao. Đa số sinh viên có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng và nhiều sinh viên có mức thu nhập cao lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên, làm việc tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn. “Nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại nhà trường để sau này làm việc tại DN, được hỗ trợ học phí và các khoản sinh hoạt, thậm chí được trả lương… Đây là cơ hội rất tốt cho các bạn sinh viên học tập tại trường” - ông Ngọc thông tin.
Ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Vinh cho rằng, HS tốt nghiệp THCS đăng ký vào học trung cấp nghề là một lựa chọn mang lại nhiều lợi ích. HS học xong thành thạo nghề, 100% có việc làm ổn định, thu nhập khá, nhiều em được các DN đến tuyển dụng tại chỗ. Hướng đi này tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội, tiết kiệm thời gian, cung cấp nguồn lao động chất lượng tốt, trẻ tuổi cho thị trường lao động. Trong khi đó, nếu các em học THPT rồi học lên ĐH mà tốt nghiệp không tìm được việc làm thì vô cùng lãng phí.
(còn nữa)
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2021, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực cho thị trường lao động.