Trong khi dịch Covid-19 tàn phá nhiều địa phương trong cả nước, nhất là thời điểm hai năm 2020 và 2021, dịch bùng phát và lan rộng khiến cho đời sống của người dân lao đao, nhiều ngành kinh tế kiệt quệ. Trong bức tranh ấy, vẫn có những gam màu sáng, mà điển hình là tỉnh Thanh Hóa, một trong số ít địa phương có mức tăng trưởng GRDP ấn tượng, cùng với đó là số tiền thu ngân sách tăng phi mã qua từng năm.
Đâu là nguồn thu lớn nhất?
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, đạt dự toán, trong đó: Thu nội địa ước đạt 18.320 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 10.647 tỷ đồng.
Năm 2021, Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85% (đứng trong nhóm 5 tỉnh, TP có mức tăng cao của cả nước); thu ngân sách Nhà nước đạt 40.781 tỷ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020 (cao nhất từ trước đến nay). Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỷ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ...
Đây cũng là năm đầu tiên Thanh Hóa lọt vào top 10 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách trên địa bàn dẫn đầu cả nước, với vị trí thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành phố.
Mới nhất, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng thu ngân sách 9 tháng năm 2022 tại tỉnh này ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán năm, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay. Vậy, câu hỏi đặt ra là gần 40 nghìn tỷ thu ngân sách này đến từ nguồn nào?
Nguồn tin từ Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, tổng thu nội địa ước đạt 24.373 tỷ đồng, đạt 131% so dự toán năm và bằng 154% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng, đạt 156% dự toán và bằng 161% so với cùng kỳ. Có 10/13 lĩnh vực có tiến độ thu tốt, dự kiến đạt và vượt dự toán năm.
Một số khoản thu có tỷ trọng lớn, số thu đạt cao so với dự toán năm, gồm: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.603 tỷ đồng, bằng 151% so dự toán; ước cả năm là 11.700 tỷ đồng, bằng 167% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.199,5 tỷ đồng, bằng 157 % dự toán. Thuế thu nhập cá nhân đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 134% dự toán. Thuế bảo vệ môi trường 1.430,7 tỷ đồng, bằng 124% dự toán năm... Các lĩnh vực thu phí, lệ phí đạt 71% dự toán và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 78% dự toán, dự kiến khó có khả năng hoàn thành dự toán năm.
Cục Hải quan Thanh Hóa thông tin tổng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 14.952 tỷ đồng, đạt 136% dự toán và bằng 160% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 17.727 tỷ đồng, đạt 161% dự toán và bằng 165% so với cùng kỳ. Nguồn thu chủ yếu là từ thuế nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; thu từ dầu thô tính đến ngày 14/9/2022 là 11.732 tỷ đồng/25 chuyến tàu, trung bình mỗi chuyến thu 469,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng khoản thu từ đất và dầu thô đạt 22.335 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong 9 tháng.
Làm gì để duy trì đà tăng trưởng
Còn nhớ, vào ngày 29/8/2022, trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh Hóa tận dụng tốt các cơ chế đặc thù Trung ương đã chấp thuận, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, với sự gia tăng ngân sách ấn tượng, việc Thanh Hóa đạt con số thu ngân sách 70.000 tỷ đồng sẽ diễn ra trong tương lai gần. Từ đó, tỉnh sẽ có thêm nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Hóa hiện có đủ cả 5 loại hình giao thông, trong đó giao thông đường bộ phát triển mạnh. Năm 2022, sẽ khánh thành một tuyến cao tốc đi qua tỉnh (Mai Sơn – Quốc lộ 45), mỗi năm 2023, 2024 cũng sẽ khánh thành một tuyến cao tốc, do đó, trong 5 năm tới, hạ tầng giao thông tại Thanh Hóa sẽ có bước phát triển bứt phá.
Góp ý cho sự phát triển của tỉnh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung cao vào phát triển hạ tầng; đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời, chú trọng tới các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Để trở thành cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa đã tự xác định công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào GDP. Do đó, tỉnh này đã quy hoạch các khu cụm công nghiệp, tập trung hạ tầng để thu hút đầu tư. Thời gian qua, Thanh Hoá luôn đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư, mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng.
Năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, như Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; Nhà máy Sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân và Nhà máy May xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực (Triệu Sơn)...
Sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,07% so với cùng kỳ; 23/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ, một số sản phẩm tăng mạnh như: điện sản xuất tăng 36,2%, quần áo may sẵn tăng 38,3%, giày thể thao 31,8%, tinh bột sắn tăng 44,2%, xi măng tăng 13,9%, sắt thép các loại 12,3%, dầu ăn tăng 17%...
Các tháng đầu năm 2022, nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn cũng được khởi công, như: Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn 2, Nhà máy Sản xuất vải Billion Union Việt Nam, Nhà máy Loopx COFO Việt Nam, cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng của Tập đoàn Đầu tư tài chính TF GROUP...
Khi “sức khỏe” và tiềm lực của nền kinh tế đã có nền tảng vững chắc, tỉnh càng có nhiều điều kiện tái đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của Thanh Hóa là hơn 10.630 tỷ đồng; tổng số các dự án có vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh là 178 dự án.
Hiện tại, tỉnh đang tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.