'Bắt' chặt việc mua sắm xe công, thay đồ cho sếp mới

Việt Thắng (thực hiện) 11/04/2016 06:10

Ông Lê Thanh Vân- Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho biết, cần có cơ chế chặt chẽ để giám sát việc mua sắm xe công mới, mua sắm thay lại đồ đạc khi vừa lên chức, trong khi ngân sách đang khó khăn.

Lãng phí đầu tư xây dựng cơ bản.

PV: Thưa ông, phổ biến trước đây là việc nhiều cán bộ khi lên chức thường mua sắm xe công mới, hay thay lại đồ đạc trong phòng làm việc của mình. Vậy vấn đề này chúng ta có giám sát được không?

Ông Lê Thanh Vân: Việc này, chúng ta hoàn toàn có thể giám sát được nếu như cơ quan giám sát lập chương trình kế hoạch, và giám sát theo thẩm quyền của mình.

Tôi nghĩ ai cũng thích ăn ngon, mặc đẹp- đây là thuộc tính của con người; nhưng phải biết túi tiền của mình, rộng lớn hơn là túi tiền của quốc gia, ngân sách. Bởi, đó chính là tiền của người dân đóng góp cả. Cho nên trước hết biện pháp “phòng vệ” chính là đạo đức công vụ, nhân cách của mỗi người. Khi nhậm chức, thấy rằng điều kiện ngân sách quốc gia, của đơn vị đang khó khăn thì chính anh phải gương mẫu.

Ông Lê Thanh Vân. Ảnh: Thùy Dương.

Hiện, chi tiêu cho hành chính trong đó có chi phí phục vụ cho các cán bộ từng cấp đều có văn bản quy định, nhưng vấn đề là vẫn có những kẽ hở để cho họ chi tiêu không đúng chế độ.

Ở đây có trách nhiệm của cơ quan giám sát. Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội khóa XIII cũng đã có giám sát nhưng theo tôi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Quốc hội và ĐBQH. Trong nhiệm kỳ tới, QH cần có kế hoạch chương trình giám sát. Bên cạnh việc quyết định các vấn đề về ngân sách, như thu chi cần đẩy mạnh giám sát chi có đúng với chế độ hay không? Có dự toán không? Có quy định không? Bên cạnh đó cũng cần giám sát cả việc thu nữa.

Ngoài ra cũng cần sự tham gia của cơ quan Kiểm toán, vì Kiểm toán từ khi thành lập đến nay dù được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho Quốc hội giám sát ngân sách, nhưng vai trò của Kiểm toán với chức năng giám sát về ngân sách phải chặt chẽ hơn nữa. Làm sao Kiểm toán phải là công cụ hữu hiệu để giúp Quốc hội giám sát có hiệu quả hơn về ngân sách.

Chứ hiện nay theo quy định của luật, Kiểm toán chỉ báo cáo, gửi báo cáo đến Quốc hội, còn Quốc hội chưa bao giờ thảo luận báo cáo của Kiểm toán như báo cáo của Tòa án, Viện Kiểm sát. Mặc dù chế định của Kiểm toán là chế định độc lập tương tự như Tòa án, Viện Kiểm sát song chế độ chịu trách nhiệm của kiểm toán trước Quốc hội chưa tương xứng. Vì thế cần xác định mối quan hệ giám sát giữa Quốc hội và Kiểm toán.

Chúng ta nói nhiều đến lãng phí nhưng tại sao lâu nay không xử lý được ai để xảy ra lãng phí, thưa ông, trong khi lãng phí đang là gánh nặng cho ngân sách?

- Lãng phí có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lúc xây dựng dự toán chúng ta không có kiểm toán trước. Giá như quá trình xây dựng dự toán có sự tham gia của nhiều cơ quan để minh bạch ngay từ lúc lập dự toán, những khoản chi trong tương lai thì tốt hơn. Nếu ta làm chặt chẽ và sau đó giám sát chặt chẽ thì chi mới đúng quy định.

Nguyên nhân là do chúng ta dễ dãi, có phần buông lỏng trong duyệt ngân sách cho nên sau này nhiều đơn vị, cơ quan lập dự toán và “cố gắng” chi bằng được dự toán đó cho nên có khoản lúc chi bị đội lên. Đây là cái cần chấn chỉnh lại vì nó dẫn đến lãng phí.

Nhưng trong đó còn có bệnh hình thức trong hệ thống đang còn phổ biến. Trụ sở cứ thích hào nhoáng, to hơn người trong khi nó chỉ thỏa mãn tính hình thức, đây lại không phải chi cho đầu tư phát triển. Có thời gian người ta nói lãng phí cũng gần như thất thoát trong tham nhũng. Cho nên bây giờ cần cân đối lại ngân sách trong đó có giải pháp chống tham nhũng, lãng phí.

Lâu nay Quốc hội quyết ngân sách là việc đã rồi, vậy làm sao để Quốc hội quyết ngân sách một cách thực chất hơn, thưa ông?

- Quyết ngân sách của Quốc hội là ở tầm vĩ mô, tức là quyết cân đối vĩ mô trong thu chi ngân sách. Theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Chính phủ là cơ quan trình ra Quốc hội nhưng để cho Quốc hội quyết đúng, chính xác thì liên quan đến nhiều vấn đề.

Thứ nhất, năng lực xem xét của Quốc hội đối với vấn đề tài chính quốc gia. Muốn quyết định chính xác, đầu tiên thông tin tài chính quốc gia phải minh bạch, phải được gửi thường xuyên đến ĐBQH.

Thứ hai, bộ máy giúp việc cho Quốc hội là đơn vị phục vụ cho Ủy ban Tài chính- Ngân sách, lãnh đạo Quốc hội phải cung cấp thông tin cho ĐBQH thường xuyên đầy đủ. Và các cơ quan đó có quyền liên kết liên thông với các cơ quan của Chính phủ để lấy thông tin chính xác, kịp thời để cung cấp cho các ĐBQH, đặc biệt là Ủy ban Tài chính- Ngân sách.

Thứ ba phải có một kỷ luật thông tin- đó là thực hiện tốt các quy định pháp luật về chế độ gửi báo cáo. Nhiều khi các báo cáo, dự thảo luật theo quy định phải gửi trước nhưng đến trước giờ thảo luận, thông qua họ mới gửi, nên nhiều khi ĐBQH không kịp trở tay thì làm sao có đầy đủ thông tin mà quyết định. Nhiều khi để chạy kịp với tiến độ chất lượng cuộc họp xem xét thẩm tra không đảm bảo.

Vì vậy cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ trong việc tổ chức các cơ quan giúp việc cho Quốc hội mà còn đổi mới phương thức hoạt động, sự phối hợp đặc biệt là chế độ thông tin, kỷ luật thông tin. Cần thiết Quốc hội phải có cuộc họp chuyên đề để giám sát chế độ báo cáo cung cấp thông tin. Lúc đó ĐBQH mới có căn cứ để quyết định xem xét chính xác.

Một vấn đề nữa đó là tăng cường giám sát, vì giám sát và lập pháp phải đi song song với nhau. Lập pháp đặt ra các quy định thì cần giám sát xem xét lại, kiểm tra lại các quy định đó phù hợp chưa để sửa lại. Giám sát là khơi nguồn để sửa sang lại lập pháp, thông qua đó mới tăng cường hoạt động lập pháp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bắt' chặt việc mua sắm xe công, thay đồ cho sếp mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO