“Hạnh phúc của người nghệ sĩ, ca nhân là được phục vụ khán giả. Chỉ cần còn có người xem là anh chị em chúng tôi còn biểu diễn” - rất nhiều khán giả, những người mộ điệu đờn ca tài tử đã xúc động khi nghe nữ tài tử Yến Linh chia sẻ trong Liên hoan Đờn ca tài tử lần thứ III.
Có lẽ đó cũng là lý do mà sang ngày thứ 5 của Liên hoan nhưng nhiều người vẫn về quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) để được nghe câu ca, điệu hò, nghe tiếng đờn du dương, réo rắt và để thấy các nghệ sĩ cháy hết mình trên sân khấu.
Thế mới biết, thế mới mừng là vẫn còn nhiều người yêu đờn ca tài tử đến thế. Cũng dễ hiểu thôi bởi đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Từng lời ca ngọt ngào, sâu lắng gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ cần cù, phóng khoáng, nghĩa tình...
Một số nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận, đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng chính vì nó tồn tại song song ở cả 2 hình thức, vừa là âm nhạc thính phòng, vừa mang hình thức truyền thống; không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân lao động, là sợi dây gắn kết mọi người với nhau.
Sinh thời, GS.TS Trần Văn Khê từng nói, người ta chơi đờn ca tài tử chứ không nói biểu diễn đờn ca tài tử. Bởi đó là nghệ thuật tức hứng, khi những người có cùng sở thích ngồi lại với nhau cùng chơi, cùng tức hứng tại chỗ thì họ bắt đầu thả hồn, hòa nhịp vào tiếng đàn, lời ca đầy phấn khích.
Nói vậy, nhưng những người nghệ sĩ vẫn thấy lo. Lo khi nhiều loại hình âm nhạc đã được du nhập vào Việt Nam, lớp trẻ có nhiều lựa chọn hơn và cũng ít được trang bị hiểu biết về sân khấu, về nghệ thuật truyền thống, về đờn ca tài tử. Mà khi đó họ không tiếp nhận, không đam mê cũng là điều dễ hiểu.
Đờn ca tài tử hiện có ở 21 tỉnh, thành. Đáng mừng là thời gian qua, nhiều địa phương cũng rất chăm chút, bảo tồn cho loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tại Bình Dương, nhiều lớp học truyền dạy đờn ca tài tử đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, với trên 900 nghệ nhân đờn ca tài tử, hơn 60 câu lạc bộ ở các địa phương. Nhiều người trẻ đã tìm đến loại hình âm nhạc truyền thống này.
Còn ở Bạc Liêu, nơi có Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) - công trình kiến trúc lưu giữ những giá trị vật chất cũng như tinh thần của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật đờn ca tài tử cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm bảo tồn, tạo sự lan tỏa trong người dân ở các xóm ấp và cả du khách phương xa.
Tại TPHCM đã có rất nhiều hoạt động gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử, như: Liên hoan các giọng ca tài tử thiếu nhi TPHCM (Giải Búp sen vàng); Liên hoan đờn ca tài tử TPHCM (Giải Hoa sen vàng)... Và mới đây, thông tin Trung tâm Văn hóa TPHCM sẽ xây dựng điểm diễn cho đờn ca tài tử, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2024 là tin vui cho những người mộ điệu.
Đây sẽ là sân chơi nghệ thuật, nơi giao lưu, gặp gỡ và trình diễn Đờn ca tài tử của các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca; nơi mà người mộ điệu có thể đắm chìm trong thứ âm nhạc vừa mang tính bác học, vừa đậm chất dân gian. Để mọi người cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị quý báu của di sản văn hóa phi vật thể này. Hay nói một cách mỹ miều hơn là cùng nhau “bật đèn” cho sân khấu đờn ca tài từ.