Đô thị phát triển kéo theo dân số ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với nguồn cung nhà đất tại Hà Nội ngày càng thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Một góc khu chung cư Trung Hòa-Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Cũng chính vì thế, bất động sản Hà Nội luôn có giá “đắt đỏ”, đặc biệt là những khu vực thuộc quận trung tâm và khu vực phía Tây - nơi được quy hoạch xây dựng nhiều dự án lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, sau những đợt "sốt" nóng vì đầu cơ thổi giá, vài năm trở lại đây, thị trường nhà đất Hà Nội đang tự điều chỉnh và dần đi vào ổn định, phát triển bền vững hơn.
Nguồn cung đất nền tăng mạnh
Sau nhiều năm trầm lắng, giá đất nền vùng ven Hà Nội đang tăng trở lại do giới đầu tư đang săn lùng đất nền, nhà liền kề hay biệt thự có vị trí đẹp với kỳ vọng mang lại lợi nhuận.
Bên cạnh đó, khách hàng hiện nay cũng đã dành nhiều sự quan tâm hơn đối với phân khúc nhà ở này.
Thống kê của một số sàn giao dịch trên địa bàn Thủ đô cho thấy, nhu cầu nhà liền kề và đất nền Hà Nội năm 2016 đã tăng 25% so với năm trước.
Điều này thể hiện sự phát triển trở lại của phân khúc đất nền, nhà liền kề và biệt thự trong năm qua cũng như thời gian tới.
Một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, những năm gần đây, thị trường chung cư Hà Nội phát triển quá mức dẫn tới nhiều bất cập.
Mật độ các chung cư, càng về phía trung tâm thành phố càng dầy đặc, dẫn đến những hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, khiến cho cuộc sống của cư dân xuống cấp, xuất hiện những tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng về tiến độ, thời gian bàn giao nhà, sở hữu chung-riêng, cách quản lý tòa nhà.
Trong khi đó, với nhà đất, người mua nhà sẽ được hưởng một diện tích sử dụng lớn hơn với nhiều không gian xanh hơn và tránh được nhiều tranh chấp cũng như phí dịch vụ so với ở chung cư.
Đây cũng là một điểm hấp dẫn khiến cho nhiều người Hà Nội hiện nay tìm đến nhà đất thay vì chung cư.
Theo nhận định của giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, ổn định và mang tới lợi nhuận bền vững. Lý do đất nền là phân khúc được nhiều nhà đầu tư hướng đến chính là sự giới hạn về quỹ đất của Hà Nội.
Hà Nội vẫn luôn không ngừng có tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số tăng mạnh như hiện nay thì trong tương lai, đất nền có xu hướng khan hiếm.
Phân khúc này cũng luôn là “miếng bánh ngon” được nhiều chủ đầu tư để mắt. Quỹ đất ngày càng bị thu hẹp đi, đồng nghĩa với việc giá trị sẽ ngày càng tăng lên cao, và các nhà đầu tư nhanh nhạy sẽ tìm mua.
Ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng Hợp Thành cho biết trước đây giá đất nền ở trung tâm quá cao, còn đất nền và nhà liền kề ở các khu vực vùng ven lại không hấp dẫn người mua nhà và nhà đầu tư, nhưng hiện nay hạ tầng đô thị ở vùng ven đang được đầu tư, nâng cấp nhanh chóng nên sẽ thu hút được giới đầu tư.
Một điểm nữa cũng khiến cho phân khúc đất nền và nhà liền kề Hà Nội hấp dẫn là tính thanh khoản đã được cải thiện rất nhiều…
Theo bộ phận nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản tại Hà Nội trong năm 2016 tăng đều ở mọi phân khúc.
Đặc biệt trong quý IV năm 2016 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, trong đó biệt thự và liền kề là tâm điểm với lượng bán đạt mức kỷ lục kể từ năm 2011, tăng 129% so với quý III, với 766 giao dịch được thực hiện, trong đó 64% là nhà liền kề.
Dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch là quận Từ Liêm với 24% và quận Hà Đông với 23%...
Tâm điểm giao dịch nhà giá rẻ
Vừa qua, thị trường bất động sản được dịp xôn xao với tuyên bố của Tập đoàn Vingroup về việc thời gian tới sẽ tung ra thị trường hơn 300.000 căn hộ Vincity có mức giá từ 700 triệu đồng tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nha Trang…
Ngay sau công bố của Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh cũng đã mở bán khoảng 3.000 căn hộ thương mại có mức giá thấp 11 triệu đồng/m2 tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội).
Có thể thấy, việc hai “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản tham gia vào phân khúc nhà giá rẻ nhiệt tình như vậy được dự báo sẽ là cuộc đua sôi động nhất vào thời điểm cuối năm nay, thậm chí, phân khúc nhà ở vừa túi tiền này sẽ có khả năng “bùng nổ” trên thị trường với nguồn cung tăng cao và nhu cầu ở luôn ở mức lớn trong năm 2017.
Đáng chú ý, theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn nhà ở.
Bàn về xu hướng phát triển này, nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận: Tâm điểm giao dịch của thị trường trong năm 2017 sẽ là những sản phẩm có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng thay vì phát triển loại hình nhà ở cao cấp… Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu mua hiện tại thì nguồn cung sản phẩm này vẫn khá hạn chế.
Cũng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, năm 2017, phân khúc nhà giá rẻ sẽ dẫn đầu thị trường với nguồn cung tăng cao và nhu cầu vẫn luôn ở mức cao.
Dù có sự tăng trưởng về số lượng nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn sẽ khó có thể vượt mức tỷ trọng 20% để đáp ứng được 80% nhu cầu hiện tại.
Sự bùng phát của hàng loạt dự án giá rẻ sẽ tạo ra cuộc canh tranh ngày càng khốc liệt, điều này sẽ góp phần giải quyết bài toán lệch pha cung-cầu nhà ở, giúp thị trường thanh lọc các chủ đầu tư không có năng lực, và quan trọng hơn là quyền lợi người mua nhà sẽ được chú trọng, đảm bảo hơn…
Hầu hết các chuyên gia cho rằng, trong vòng 3-5 năm tới, tại Hà Nội, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ khan hiếm do quỹ đất đầu tư khó khăn. Trong khi đó nhu cầu nhà ở bình dân khu vực này luôn ở mức cao.
Mặt khác, các chủ đầu tư nhà giá rẻ cũng đang rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền bên cạnh những chính sách hiện hữu, đặc biệt, cần nhất là sự hỗ trợ trong kế hoạch giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư.
Để phát triển phân khúc nhà giá rẻ phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, theo các chuyên gia, cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và cơ chế, chính sách đồng bộ là điều kiện quan trọng nhất để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào phân khúc nhà ở này.
Đồng thời, cũng cần tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi (trung và dài hạn) cho doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường bất động sản Hà Nội phát triển bền vững.