Do thiếu vốn đầu tư nên doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) liên tục phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn với lãi suất cao. Thậm chí, có DN BĐS đã phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 12-14,5%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm.
“Sau thời gian dài tích cóp được chút đỉnh vợ chồng tui muốn vay ngân hàng để thêm vào mua nhà thì lại gặp lãi suất cao. Làm công ăn lương mà vay tiền mua nhà với lãi suất trên 10% là không thể kham nổi. Giấc mơ sở hữu nhà ở của vợ chồng tôi bị dập tắt”- ông Nguyễn Văn Quân, ngụ quận 7 (TPHCM) tâm tư.
Theo nhận định của giới đầu tư, nguồn vốn vào BĐS đang chững lại gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn khách hàng. Đại diện một chủ đầu tư cho hay, DN đang rất bế tắc về tài chính. Trước đây vay vốn ngân hàng còn thuận lợi. Giờ thì điều kiện cho vay của các ngân hàng khắt khe hẳn, chưa kể lãi suất cho vay liên tục tăng cao. Đặc biệt, dự thảo Thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước đề xuất siết tín dụng bất động sản. Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2,15 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng BĐS tăng thấp hơn, chỉ tăng 6,7% và chiếm khoảng 10,82% tổng dư nợ tín dụng. “Việc tín dụng BĐS tăng trưởng thấp phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS. Tuy nhiên, điều này vô hình trung gây khó DN BĐS, nhà đầu tư và cả người mua nhà do khó tiếp cận vốn tín dụng hơn trước đây”- ông Châu băn khoăn.
Liên quan đến nguồn vốn cho thị trường BĐS, tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, nguồn lực tài chính của thị trường BĐS chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng và huy động từ khách hàng. Để giải quyết bài toán vốn đầu tư cho BĐS, nhiều DN phát hành trái phiếu DN nhằm bổ sung nguồn vốn. Điển hình, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invesst phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn hơn 3 năm; Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt đã công bố sẽ phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên đến 850 tỷ đồng. Thống kê của HoREA cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, các DN BĐS, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên đến 16.230 tỷ đồng, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành, đứng vị trí thứ hai. Thậm chí, có DN BĐS đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12-14,5%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với cả DN phát hành trái phiếu, nhà đầu tư và ngân hàng. Ngoài việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, DN BĐS còn phải mở rộng hợp tác với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thay thế vốn tín dụng ngân hàng.
Trước tình trạng khó khăn về vốn của DN BĐS, ông Lê Hoàng Châu đề nghị có lộ trình thực hiện mềm dẻo hơn để tránh gây sốc cho thị trường. Theo đó, áp dụng hệ số rủi ro khoảng 120% đối với khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên đến hết ngày 31/12/2020; chịu hệ số rủi ro 130% kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021; 140% kể từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022; 150% kể từ ngày 1/7/2022. Bên cạnh bài toán về nguồn tín dụng cho BĐS, chuyên gia trong ngành khuyến khích các nhà phát triển thận trọng với kế hoạch phát triển, lập kế hoạch hợp lý về khối lượng bán hàng và giá cả.