Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá thị trường bất động sản phía Nam có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với thị trường vùng ven TP HCM.
Những chuyển biến tích cực
Sáng 29/10, hội thảo 'Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19' được tổ chức tại TP HCM. Tại hội thảo, ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.
Về nguồn cung, có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020 . Đặc biệt, trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.
Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho rằng, tâm lý tích cực phục hồi trên thị trường trong một tháng qua, các chủ đầu tư đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách nhiều người lo lắng thị trường bị đóng băng nhưng chỉ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9 doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online… thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.
Theo các chuyên gia đánh giá, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn, là kênh đầu tư được người dân Việt Nam ưa chuộng nhất, nên càng dịch bệnh người dân càng chọn bất động sản là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lõng giãn cách, được đi lại. Trong giai đoạn dịch bùng phát nghiêm trọng ở phía Nam, lượng giao dịch được ghi nhận tại các dự án Bien Hoa Universe Complex (Đồng Nai), Lavita Thuan An (Bình Dương), dự án Moonlight Centre Point Tên Lửa (TP.HCM) vẫn ghi nhận mức cao.
Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam đánh giá: “Điều đó cho thấy thị trường có những suy giảm đáng kể nhưng vẫn có những chuyển biến tích cực, người có tiền vẫn lựa chọn bất động sản là kênh đầu tư”.
Vùng ven trỗi dậy
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, chuyên gia tư vấn GIBC cho rằng, quỹ đất rất quan trọng, từ vài trăm đến vài nghìn ha mới giải quyết được phát triển một đô thị. Hiện TP HCM không còn nhiều quỹ đất để triển khai các đại đô thị. Vì nếu một chủ đầu tư hay một đô thị muốn phát triển thì phải đáp ứng được 5 giải pháp trụ cột gồm: Kinh tế việc làm, thu hút đầu tư, trọng lực khai thác hiệu quả, giải quyết vấn đề về môi trường và cuối cùng là công nghệ. Nếu rời xa 5 trụ cột này thì không phải là xu hướng của đô thị trong tương lai. Vùng ven TP HCM có lợi thế quỹ đất để các doanh nghiệp bất động sản tạo lập dự án.
Ở góc độ của nhà phát triển bất động sản, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi cho biết, hiện nay, không gian sống đang lên ngôi, chủ đầu tư nào tạo ra không gian sống xanh sẽ thu hút khách hàng. Xu hướng từ cao tầng muốn chuyển xuống ở nhà thấp tầng.
Cũng theo ông Quyền, hiện khu vực vùng ven TP HCM đã xuất hiện khách hàng ở địa phương khác đến, nhóm tuổi từ 31 đến 45 tuổi chiếm 51%. Điều này là sự dịch chuyển mới, bởi trước đây đa phần có độ tuổi trên 45 tuổi mua để tích lũy. Điều này cho thấy, người dân mua đất vùng ven đang trẻ hóa.
“Trước đây, khách hàng muốn mua bất động sàn ở gần trung tâm tiện cho việc đi lại nhưng giờ, họ chấp nhận đi xa hơn trên cơ sở liên kết vùng” – ông Quyền nhìn nhận.
Tuy vậy, để bất động sản vùng ven TP HCM phát triển bền vững, theo các chuyên gia, các chủ đầu tư cần định nghĩa lại mô hình kinh doanh của mình, phát triển qua các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, nếu chỉ chuyên tâm cho phát triển sản phẩm thì sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Hiện nay, xây dựng thương hiệu chủ đầu tư dựa trên số hóa rất mạnh. Việc lôi kéo khách hàng, kiến nghị chủ đầu tư tăng giá bằng tăng giá trị sản phẩm chứ không phải tăng giá chỉ dựa vào sản phẩm. Cần phải xây dựng lại hệ sinh thái để đầu tư đón đầu trong tương lai cho bất động sản vùng ven.