Cơ chế cộng điểm ưu tiên khu vực vẫn đang tồn tại một số bất cập sau nhiều lần điều chỉnh. Điều này cũng đã được Bộ GDĐT chỉ ra qua phân tích dữ liệu điểm thi và điểm tuyển sinh những năm gần đây.
Thí sinh khu vực 3 thiệt thòi
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, qua phân tích dữ liệu thi và kết quả học tập, phổ điểm 4 khu vực tuyển sinh của thí sinh, Bộ đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực.
Theo ông Sơn, diện được ưu tiên chiếm đa số, trong khi diện không được ưu tiên (Khu vực 3) chiếm thiểu số nên mỗi sự thay đổi về quy định ưu tiên đều gây nhiều tranh cãi.
Ông Sơn nhìn nhận, đối với một số ngành có tính cạnh tranh cao, sự bất hợp lý của mức điểm cộng ưu tiên thể hiện rất rõ ràng. Điểm ưu tiên dẫu chỉ 0,25 hay 0,5 cũng đã tạo ra một lợi thế quá lớn về điểm xét tuyển, khi mà có những ngành chỉ hạ xuống 0,01 điểm thì số thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển tăng lên rất nhiều.
Sự bất hợp lý này là nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra một số tình huống có tính cực đoan, như điểm chuẩn 30. Nhìn lại mùa tuyển sinh 2021, dư luận xôn xao khi nhiều thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học. Ở một số ngành lấy điểm chuẩn cao tới 30/30 hoặc 30,5/30. Các thí sinh trúng tuyển đều được cộng ít nhất là 2,75 điểm ưu tiên, rất hiếm hoi có thí sinh khu vực 3, thậm chí có ngành không có thí sinh nào.
Ông Sơn cũng cho rằng, với cách tính điểm ưu tiên hiện nay thì thí sinh khu vực 3 thực sự thiệt thòi.
Năm nay, điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Theo dự thảo này, quy định điểm cộng ưu tiên khu vực trong xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực như thí sinh khu vực 3.
Với quy định cộng điểm ưu tiên khu vực theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh tự do ở khu vực 1 sẽ không được cộng 0,75 điểm ưu tiên; khu vực 2 nông thôn không được cộng 0,5 điểm; khu vực 2 không được cộng 0,25 điểm.
Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa 2 nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
Vẫn còn bất cập sau nhiều lần điều chỉnh
Sau khi dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ GDĐT công bố lấy ý kiến rộng rãi, nhiều thí sinh tự do đang có chung tâm trạng hụt hẫng vì bị mất quyền cộng điểm ưu tiên khu vực. Quy định này trong dự thảo cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và dư luận xã hội.
Dịp này, những tranh luận liên quan tới điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học tiếp tục được bàn lại. Bởi đây không phải là lần đầu tiên, Bộ GDĐT điều chỉnh mức điểm ưu tiên.
Trước đó vào giai đoạn từ năm 1989 – 1998, có 3 khu vực ưu tiên gồm 1, 2 và 3. Từ năm 1999 đến nay, có 4 khu vực ưu tiên gồm khu vực 1 (KV1), khu vực 2 nông thôn (KV2-NT), khu vực 2 (KV2) và khu vực 3 (KV3).
Về mức điểm ưu tiên, có ba mốc thay đổi quan trọng. Từ 2003 trở về trước, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm, tức thí sinh được cộng tối đa 3 điểm. Từ 2004 đến 2017, hai khu vực kế tiếp chênh nhau nửa điểm, thí sinh được cộng tối đa 1,5 điểm. Từ 2018 đến nay, thí sinh chỉ được cộng tối đa 0,75 điểm.
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là mức điểm Nhà nước dành các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định.
Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều. Chính sách cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị.
Đồng tình với quy định mỗi thí sinh ở khu vực ưu tiên được cộng điểm ưu tiên 1 lần theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, song PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Hiệu trưởng Trường Giao thông vận tải nêu quan điểm: “Bộ GDĐT nên thống kê tỉ lệ thí sinh tự do hằng năm để xem mức độ ảnh hưởng của quy định này có nhiều hay không.
Trong trường hợp, tỉ lệ thí sinh tự do thấp, mức độ ít ảnh hưởng thì nên quy định mỗi thí sinh được ưu tiên 1 lần. Còn nếu tỉ lệ thí sinh cao, mức độ ảnh hưởng lớn thì nên điều chỉnh giữ ổn định như cũ”.
Thực tế, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay cơ chế cộng điểm ưu tiên vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Các chuyên gia giáo dục cho rằng một chính sách nhân văn cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, công bằng với thí sinh.