Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Bất thường trong đấu giá

Bắc Phong 17/11/2023 11:18

Mới đây, trong Công điện số 1087, Thủ tướng Chính phủ đa yêu cầu Hà Nội rà soát ngay việc đấu giá khai thác 3 mỏ cát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11/2023.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng công khai, minh bạch, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có yếu tố bất thường.

Cụ thể, ngày 5-6/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức đấu giá 3 mỏ cát là Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì) và Liên Mạc (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm). Hơn 70 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá 3 mỏ cát này. Thời gian đấu giá kéo dài từ 9 giờ ngày 5/11 đến gần 6 giờ sáng 6/11.

Kết quả đấu giá thật đáng kinh ngạc: Mỏ Châu Sơn giá khởi điểm hơn 2,8 tỷ đồng đã được Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn trúng thầu với giá hơn 396 tỷ đồng, gấp khoảng 140 lần mức giá khởi điểm. Mỏ Tây Đằng - Minh Châu giá khởi điểm hơn 19 tỷ đồng được Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá với giá gần 884 tỷ đồng, gấp khoảng 46 lần giá khởi điểm. Và mỏ Liên Mạc được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng thầu với giá hơn 408 tỷ đồng, gấp khoảng 204 lần giá khởi điểm (hơn 2 tỷ đồng).

Đơn vị tổ chức đấu giá đưa ra giá khởi điểm quá thấp hay là các đơn vị tham gia đấu thầu “tâng” giá quá cao? Mục đích là gì và tác động của nó ra sao? Có tiêu cực gì không? Đó là những vấn đề khiến dư luận rất băn khoăn.

Trước nay việc đấu giá (đấu thầu) đã gặp nhiều tai tiếng, có khi làm nhiễu loạn thị trường và bị trục lợi. Trong khi việc đấu giá nhằm tạo sự minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm tránh bị lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.

Đáng chú ý, việc thông thầu trong đấu giá đã được “điểm mặt chỉ tên” như một vấn nạn. Ở đây không nói đến chuyện thông thầu giữa nhà thầu và chủ đầu tư/bên mời thầu; chỉ nói về trường hợp hành vi thông đồng, cấu kết, dàn xếp với nhau của các bên tham gia đấu thầu nhằm để một nhà thầu “nhắm trước” thắng thầu. Hành vi thông thầu đã bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, nó vẫn xảy ra.

Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm 7 hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định về pháp luật đấu thầu vẫn có lỗ hổng, từ đó các đối tượng liên quan trục lợi, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Chính vì thế, cần thiết phải xem xét lại những vụ đấu giá có dấu hiệu bất thường, không chỉ có nguyên nhân từ thông thầu để trục lợi mà còn cả với những mánh lới trục lợi theo một cách khác.

Ví dụ vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng thầu ô đất có diện tích 10.060 m2 tại tại Thủ Thiêm (TPHCM) với giá hơn 2,43 tỷ đồng/m2, tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021. Giai đoạn đầu của phiên đấu giá có 8 nhà đầu tư tham gia trả giá với giá đầu tiên là 3.000 tỷ đồng. Đến lần trả giá thứ 5 với mức giá 8.800 tỷ đồng thì đã có 4 nhà đầu tư dừng cuộc đua, còn lại 4 nhà đầu tư. Đến lần trả giá thứ 30 với mức giá 13.200 tỷ đồng thì còn lại 3 nhà đầu tư. Đến lần trả giá thứ 49 với mức giá 18.050 tỷ đồng chỉ còn lại 2 nhà đầu tư. 2 nhà đầu tư này tiếp tục trả giá thêm 21 lần nữa thì mới chốt giá và xác định người chiến thắng. Như vậy, ô đất này đã trải qua 70 lần trả giá. Giá trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, tính ra đơn giá 2,43 tỷ đồng/m2 đất ở.

Ở vụ này, trong cuộc đấu tay đôi thì nhà đầu tư cuối cùng còn lại tham gia đấu giá đã bị Tân Hoàng Minh loại khỏi cuộc chơi với mức chênh 700 tỷ đồng.

Nhưng “kinh hoàng” nhất là sau khi giành được chiến thắng, Tân Hoàng Minh lại bỏ cuộc, khiến cho số phận ô đất vàng này vô cùng lận đận.

Trở lại với Công điện 1087 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đấu giá 3 mỏ cát, dư luận đang chờ đợi sự trả lời của UBND thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất thường trong đấu giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO